Thương mại điện tử: Cuộc chiến về tư duy bền vững thay vì các mã khuyến mại
(DNTO) - Trước đây, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng… chạy đua chiếm lĩnh thị trường bằng các mã khuyến mại, thì hiện nay, trong bối cảnh nguồn vốn thắt chặt, việc “đốt tiền” này đã cho thấy không thể giữ chân được người dùng.
Đến lúc đẩy doanh thu bằng nội lực
Để sở hữu hơn 84 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý 1/2022 ở thị trường Việt Nam, cao gấp 5 lần đối thủ cùng ngành là Lazada, Tiki, Sendo, Shopee cũng phải đối diện với lượng lớn tiền bị “đốt” cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo cho cả người dùng lẫn đối tác. Việc này khiến khoản lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng (khoảng 320 triệu USD) tính đến hết năm ngoái.
Sàn thương mại điện tử Shopee hiện đã phải rút khỏi thị trường Pháp, Ấn Độ, thu hẹp hoạt động tại Mỹ Latinh, cắt giảm lượng lớn nhân sự ở nhiều thị trường, gồm cả Việt Nam.
Năm 2022 được xem là phép thử với nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thương mại điện tử, khi kinh tế thế giới bất ổn, tình hình lạm phát tăng cao đã làm khép chặt nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Vì vậy, thay vì “đốt tiền” để thu hút người dùng, cả Shopee và Lazada đều đang dần chuyển sang chiến lược thúc đẩy doanh thu. Cụ thể, Shopee mới đây tăng phí cố điịnh từ 1,5% lên 2,5%.
Cho biết trong Hội thảo "Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững", chiều 2/12, ông Jinwoo Song, Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến, thừa nhận việc cạnh tranh mã khuyến mại giữa các đối thủ trong ngành đang là thách thức của công ty.
“Các mã khuyến mãi được tung ra giúp các đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên việc này khiến thị trường mục tiêu bị thổi phồng, phát triển không bền vững. Do vậy, các doanh nghiệp nghiệp thương mại điện tử cần tập trung thỏa mãn nhu cầu sử dụng của người dùng để họ cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời phải là doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững”, ông Jinwoo cho hay.
Với Lazada, một sàn thương mại điện tử hiếm hoi bắt đầu có lợi nhuận trong năm ngoái (7,1 triệu USD), cũng đang chuyển mình sang chiến lược phát triển bền vững xoay quanh công nghệ để phục vụ tốt hơn khách hàng, thay vì đeo đuổi các chương trình khuyến mại. Sàn này đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp người tiêu dùng giảm thời gian tìm kiếm, nhà bán hàng nắm bắt xu hướng của khách hàng. Phát triển logistics xanh, làm chủ giao vận…
“Khi hạ tầng đáp ứng được chuỗi logistics thì sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường, giải quyết các vướng mắc của các bên như nhà bán hàng, nhà vận chuyển, người tiêu dùng”, bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics, cho biết.
Cần đánh giá tín nhiệm các sàn thương mại điện tử
Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 cho biết, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị 260-285 USD/người.
Báo cáo mới đây của Lazada về người tiêu dùng Việt Nam cũng cho thấy, 76% người Việt mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử được mua mà không có dự tính.
Cho biết tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh của thương mại điện tử hiện gấp 5 lần so với các kênh khác, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phân tích, kinh doanh thương mại điện tử hiện nay là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Nhiều doanh nghiệp vì vậy đã xây dựng chiến lược bán hàng rất bài bản trên các sàn thương mại điện tử, bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và phát triển thương hiệu.
“Các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Bên cạnh đó, là phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu khách hàng để phục vụ, chăm sóc, hậu mãi… cũng là cách giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai. Với các doanh nghiệp nhỏ có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ khách hàng do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, trong thị trường rộng lớn như thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần lựa chọn thị trường “ngách”, sau đó lựa chọn những sản phẩm kinh doanh phù hợp. “Ví dụ sản phẩm OCOP thì sẽ bán ở sàn nào, thị trường như thế nào. Ngoài ra cần theo sát xu hướng của thương mại điện tử, như livestream… để có những chiến lược phù hợp”, ông Phong khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam kiến nghị cần có Quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; phát triển các chương trình và chính sách đánh giá tín nhiệm websites thương mại điện tử. Xây dựng giải pháp “Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” là công cụ đánh giá và công bố với người tiêu dùng.
“BAEMIN hiện đã phát triển thành công việc sử dụng robot giao hàng tại Hàn Quốc nhưng chưa thể ứng dụng tại Việt Nam vì chưa có khung pháp lý để quản lý, vận hành trên thị trường. Chúng tôi hi vọng sẽ có được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để sớm ứng dụng công nghệ trong phát triển giao hàng tại Việt Nam”, ông Jinwoo Song kiến nghị.