Startup thương mại điện tử huy động hơn 225 triệu USD: Kỳ vọng trở thành kỳ lân thế hệ tiếp theo
(DNTO) - Startup thương mại điện tử Sociolla Bella - chuyên về chăm sóc cá nhân và chăm sóc sắc đẹp của Chrisanti Indiana (Indonesia), chỉ có 2 cửa hàng truyền thống tại Indonesia vào năm 2019. Cho tới cuối năm 2021, con số đó đã tăng gấp 10 lần.
Năm 2020 là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn các nước trên thế giới trong tình trạng lockdown và chuyển dần sang hình thức mua sắm online. Nhưng Chrisanti Indiana đã làm được điều không tưởng, đó là mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử offline.
"Nhiều người nói với chúng tôi rằng, đó là một bước đi táo bạo khi mở một cửa hàng truyền thống, trong khi mọi người đang phải đi ngược lại do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng đây là thời điểm chúng tôi cần chuẩn bị kỹ càng và đảm bảo sau đợt đại dịch này, chúng tôi có thể phục vụ ngày càng nhiều khách hàng hơn nữa”, cô chia sẻ thêm.
Cách tiếp cận cả online lẫn offline của Indiana đã biến startup thương mại điện tử của cô trở thành một tập đoàn làm đẹp trị giá hàng triệu USD. Kể từ năm 2018, công ty đã huy động được khoảng 225 triệu USD, và đã thu hút được số lượng ấn tượng các nhà đầu tư, bao gồm East Ventures, Jungle Ventures, Temasek và Pavilion Capital.
Dưới đây là cách mà Indiana - người đồng sáng lập và giám đốc marketing của Social Bella, đưa công ty của mình lên một tầm cao mới.
Xử lý vấn đề về hàng giả
Ý tưởng về Sociolla xuất hiện vào năm 2015, khi Indiana trở về Jakarta sau chuyến du học ở Úc. Là một người thích trang điểm, cô nhận ra rằng Úc là nơi cô dễ dàng tiếp cận với hàng loạt các sản phẩm làm đẹp tới từ các thương hiệu quốc tế. Điều đó là hoàn toàn trái ngược với Indonesia.
“Có rất nhiều sản phẩm cho tôi lựa chọn, nhưng tôi không biết về chất lượng hay nguồn gốc của các loại mỹ phẩm như thế nào. Không có nền tảng nào bán những thứ tôi cần. Tôi phải tìm người bán trên mạng xã hội, hoặc nhờ bạn bè mua hộ tôi khi họ đang ở nước ngoài”, Indiana cho biết.
Điều tồi tệ hơn đó là sản phẩm giả mạo có giá thấp hơn hẳn so với hàng chính hãng, và được bán tràn lan ở trên mạng. “Tôi vẫn nhớ như in, có rất nhiều người bán hàng online. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội ai bán hàng cũng khẳng định 99% là hàng thật. Như vậy có đáng tin?”
Trên thực tế, hàng giả sản xuất ở Indonesia là rất nhiều, tất cả là nhờ vào nhân công và vật liệu rẻ. Theo một báo cáo địa phương, các nhà chức trách Indonesia đã thu giữ các sản phẩm mỹ phẩm bất hợp pháp trị giá 9 triệu USD trong năm 2018.
Indiana cho biết, việc nhìn thấy bạn bè và người thân mua sắm những sản phẩm này khiến cô cảm thấy rất lo lắng. “Đó là các sản phẩm dưỡng da, đồ trang điểm..., là những thứ mà hàng ngày bạn bôi lên da của mình. Điều đó khiến tôi rất lo ngại”, cô chia sẻ.
Vì thế, cô quyết tâm xây dựng một nền tảng, nơi mà khách hàng có thể nhận được các sản phẩm chính hãng. Indiana đã cùng với anh trai và các bạn của mình hợp tác với nhau tạo ra Social Bella, với số vốn khởi điểm là 13.000 USD.
“Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ chỉ làm việc với các nhà phân phối hoặc chủ sở hữu thương hiệu được ủy quyền”, Indiana cho hay.
Xây dựng nên “hệ sinh thái”
Sociolla có thể khởi đầu là một nền tảng thương mại điện tử, nhưng bộ ba sáng lập lại có một ước mơ lớn hơn. Không chỉ mở cửa hàng truyền thống, Social Bella còn là nhà phân phối cho các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trên toàn thế giới.
“Chúng tôi trở thành đối tác liên kết của rất nhiều thương hiệu toàn cầu tại Indonesia. Chúng tôi không chỉ giúp họ phân phối sản phẩm của mình tới Indonesia, mà còn giúp họ hiểu hơn về thị trường”, Indiana nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn điều hành Soco - dịch vụ đánh giá online các sản phẩm làm đẹp lớn nhất Indonesia. Soco đã tích lũy được hơn 2,5 triệu lượt đánh giá cho khoảng 36.000 sản phẩm.
Indiana cho biết: “Hành trình làm đẹp cho khách hàng không đơn giản là chỉ bỏ thứ gì đó vào giỏ hàng rồi thanh toán, hay đến cửa hàng rồi thử chúng, mà đó còn là những đánh giá trải nghiệm, thông qua bạn bè hoặc thậm chí là tìm hiểu trên Google”, cô chia sẻ thêm.
“Soco đảm bảo rằng người dùng có thể truy cập vào rất nhiều bài đánh giá sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua chúng”, Indiana cho biết.
Ngoài ra, Social Bella còn điều hành Beauty Journal, một trang web về phong cách sống, và Lilla, một nhà bán lẻ dành cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đó là tất cả những mảng thuộc hệ sinh thái kinh doanh mà bộ ba đã xây dựng.
“Chúng tôi muốn được phục vụ ngày càng nhiều phụ nữ, không chỉ trong việc làm đẹp và chăm sóc bản thân mà còn trong các mảng khách nữa”, cô nói
Startup của cô có vẻ đang đi đúng hướng, khi hiện tại có hơn 30 triệu người dùng trên tất cả nền tảng kinh doanh của công ty, thương hiệu còn bán được 12.000 sản phẩm từ 400 thương hiệu trên toàn thế giới.
Kỳ lân tiếp theo của Indonesia
Suốt 2 năm qua, Social Bella đã mở rộng rất mạnh mẽ, phát triển chỉ từ 3 cửa hàng Sociolla ở Indonesia vào năm 2020, giờ đây đã lên thành 47 cửa hàng tại Indonesia, và tại Việt Nam có 16 cửa hàng.
Mặc dù phần lớn việc mở rộng diễn ra trong thời kỳ đại dịch, Indiana cho biết điều này đã luôn nằm trong kế hoạch kinh doanh của mình.
“Việc này đã tạo ra trải nghiệm đa kênh liền mạch, bởi chúng tôi tin rằng chúng tôi đang phục vụ cùng một khách hàng kể cả khi họ có mua sắm trực tiếp hay không”, người được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 Châu Á của Forbes năm 2020 cho biết.
Cách tiếp cận của Social Bella đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư. Vòng gọi vốn mới nhất của công ty vào tháng 10/2022 đã thu về 60 triệu USD. Có thông tin cho rằng công ty đang đàm phán cho một vòng tài trợ có thể đẩy mức định giá lên 1 tỷ USD.
Indiana vẫn kín tiếng về doanh thu và định giá của Social Bella, nhưng cô nhấn mạnh rằng, việc trở thành kỳ lân “chưa bao giờ là mục tiêu cả”.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi đang mở rộng quy mô và ngày càng tiếp cận được tới nhiều người hơn. Nếu như Social Bella trở thành kỳ lân, đó sẽ là một phần thưởng”, cô chia sẻ.