Lần đầu tiên tại Việt Nam, startup được đồng loạt đưa giải pháp về địa phương
(DNTO) - 15 giải pháp xuất sắc nhất trong Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Innovation Challenge 2022) sẽ có cơ hội nhận 300.000 USD, đồng thời triển khai thực tế tại các tỉnh, thành phố Việt Nam.
Ngày 25/10, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Meta đồng tổ chức chính thức được phát động.
Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 kêu gọi các giải pháp và sáng kiến từ các tổ chức/cá nhân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau các vòng tuyển chọn, 15 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được tham dự buổi Lễ vinh danh Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam vào tháng 4/2023.
Ngoài giải thưởng và quyền lợi với tổng trị giá lên đến 300.000 USD, các giải pháp được lựa chọn sẽ được triển khai thực tế tại các tỉnh, thành phố Việt Nam. Đây là hoạt động quan trọng để kiểm chứng tính khả thi và nhân rộng những sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước.
Ngoài ra, các giải pháp được lựa chọn cũng sẽ nhận được gói hỗ trợ toàn diện về nâng cao năng lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, không gian làm việc, quảng bá giải pháp và mở rộng thị trường từ NIC, Meta và các đối tác khác như Goldsun Media, Up Co-working space, Amazon Web Services, Google, Viettel…
Với mong muốn thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các giải pháp được tìm kiếm sẽ tập trung vào 4 nội dung:
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới.
Thứ hai, tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ tư, tăng cường liên kết và hiệu quả đối thoại chính sách giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để Việt Nam vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã xác định chỉ có con đường là nhanh chóng tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để vượt lên ở nấc thang cao hơn. Trong đó, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là chương trình chiến lược để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia.
“Chúng tôi kêu gọi sự hợp lực giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế xã hội trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.