Nhiều địa phương đã nghĩ đến chuyện ‘đặt hàng’ sản phẩm từ startup
(DNTO) - Vừa tạo cơ hội cho startup nhưng cũng là cách tự tạo cơ hội cho chính mình, nhiều tỉnh đã có cơ chế thuận lợi để giúp startup tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.
Startup cần nơi “bám rễ”
Trong sự kiện “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế và chương trình liên minh đổi mới, hợp tác sáng tạo”, chiều 30/9, TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ nguyên nhân thất bại của nhiều startup, đặc biệt là các nhóm khởi nghiệp trong trường đại học.
Theo vị này, mọi người thường nói sứ mệnh của startup là giải quyết các bài toán, các nỗi đau của một tổ chức, cộng đồng. Tuy nhiên, các dự án này rất khó phát triển và thành công, tỷ lệ thất bại rất lớn vì startup có thể là tập hợp của những sinh viên xuất sắc, nhưng còn non trẻ.
Nhiều nhóm là sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa có nhiều trải nghiệm công việc, kinh nghiệm để nhìn nhận ra vấn đề mình đang đeo đuổi. Do đó, nhiều dự án của startup chưa gắn với nhu cầu thực tiễn mà các tổ chức đặt ra, nhiều nhóm startup còn làm lại những ý tưởng đã được triển khai trên thế giới và trong nước rồi mà không biết.
Theo TS Cường, điều quan trọng là ai sẽ là người ra đề bài cho startup tập trung một cách có mục tiêu, cụ thể và trọng tâm. Và ai sẽ là người tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ của startup và hỗ trợ hệ sinh thái đó phát triển.
“Các startup không cần phát triển những ý tưởng mới mà chỉ tập trung giải quyết các vấn đề khó của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong giai đoạn chuyển đổi. Vì các doanh nghiệp ngày nay ngày càng có xu hướng tìm kiếm, nuôi dưỡng, hợp tác và mua lại những ý tưởng, giải pháp mà nhà khoa học, startup, nhóm nghiên cứu thực hiện”, TS Cường cho hay.
Cũng theo TS Cường, đổi mới sáng tạo mở trên thế giới có thể thực hiện qua 2 hình thức. Một là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ hình thành vườn ươm để đầu tư và hỗ trợ ý tưởng, sản phẩm mới. Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ liên tục có thể tung ra sản phẩm mới để tăng lợi thế cạnh tranh. Hai là các tổ chức Chính phủ, địa phương đặt ra những yêu cầu, vấn đề để startup giải quyết. Điều này giúp ý tưởng của startup đi vào thực tế vì có sẵn thị trường cần họ.
Địa phương vào cuộc
Cuối năm 2021, sau khi bước ra từ đại dịch, các nhà hoạch định chính sách khởi nghiệp đã đưa khái niệm “đổi mới sáng tạo mở” vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhằm định hướng cho hoạt động trong thời gian tới.
Đổi mới sáng tạo mở khác với đổi mới sáng tạo thông thường vì có sự tham gia của đa dạng các thành phần, trong đó, địa phương và tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò là những người ra đề bài cho startup. Khi địa phương và startup gắn kết, không chỉ có lợi cho các công ty khởi nghiệp có đất để triển khai ý tưởng, mà ngược lại, địa phương cũng được hưởng lợi khi có thêm nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội.
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các địa phương là cần mở rộng sự kết nối đầu tư, nguồn lực… từ bên ngoài theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án khởi nghiệp, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, từ UBND tỉnh cho đến các ban ngành địa phương cần kiến tạo môi trường chính sách, đặt hàng những nội dung trọng điểm từ chương trình kinh tế trọng điểm.
Tại Thừa Thiên Huế, ông Thắng cho biết địa phương đã chọn công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), là mảng tiềm năng và thế mạnh của địa phương, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế, mở ra những đơn đặt hàng mới trong một số ngành trọng điểm như du lịch thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, văn hóa… Từ đó, tỉnh sẽ ban hành những chính sách, cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư, kêu gọi sự chuyển giao khoa học công nghệ từ các yếu tố bên ngoài, thúc đẩy sự tham gia của các startup để giải quyết các vấn đề trọng điểm trong từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các nguồn lực, tỉnh này cho biết sẽ hình thành Làng Công nghệ AI, Thừa Thiên Huế sẽ là Trưởng Làng, cũng như đồng trưởng làng của các Làng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, ẩm thực… để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề tỉnh đang cần trong phát triển kinh đô ẩm thực, di sản, dược liệu, công nghệ thông tin.
“Đây là hình thức tỉnh kêu gọi đầu tư. Trong quan điểm phát triển của Thừa Thiên Huế, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp vào các chương trình kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI) để nhận được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Con đường này theo chúng tôi nghĩ là sẽ giúp tỉnh có thể kết nối toàn cầu”, ông Thắng cho hay.
Tại Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Trưởng làng Metaverse Techfest 2022, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã lập ra trung tâm chuyên trách để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng với đó là khoảng 9 không gian làm việc chung, 2 không gian sáng tạo, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường đại học cao đẳng, 6 vườn ươm.
Địa phương cũng thúc đẩy thành lập 4 quỹ đầu tư mạo hiểm, tổng cam kết đầu tư 1.600 tỷ đồng cho các startup ở Đà Nẵng.Trong năm nay, Đà Nẵng đặt kỳ vọng đẩy mạnh thành lập 2 vườn ươm mới và kết nối mạnh hơn với 22 trường đại học, cao đẳng tại thành phố.
Đặc biệt, để các thành tố này gắn kết và phát triển, Đà Nẵng lập ra mô hình Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp. Đây là mô hình đối tác công – tư để kết nối toàn bộ hệ sinh thái thành phố với nhau, cũng như kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, khu vực và quốc tế.