‘Vòi bạch tuộc’ của các gã khổng lồ công nghệ vươn mạnh về phía startup blockchain
(DNTO) - Chưa đầy một năm bước ra từ đại dịch, đã có hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ công nghệ như Google, SamSung, PayPal, Microsoft… tiếp tục đổ vào các startup blockchain trên toàn thế giới. Động thái này tiếp tục tạo nên bức tranh đa màu của thị trường công nghệ, khởi nghiệp.
Khi các ‘ông lớn’ tung chiêu
Chỉ trong 9 tháng (9/2021-6/2022), đã có 6 tỷ USD từ 40 tập đoàn đổ vào 61 startup liên quan đến blockchain, theo dữ liệu từ Blockdata. Trong đó, Alphabet (công ty mẹ của Google) đang dẫn đầu cuộc đua với 1,56 tỷ USD vốn đầu tư. Theo sau là BlackRock (1,17 tỷ USD) và Morgan Stanley (1,1 tỷ USD).
Trong khi Alphabet dẫn đầu về số tiền đầu tư thì “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc là Samsung lại thâu tóm được số lượng startup lớn nhất, với 13 công ty. Trong số các công ty crypto được rót vốn, có tới 19 startup liên quan đến NFT (tài sản số độc nhất, không thể thay thế) được rót vốn. Ngoài ra là các lĩnh vực liên quan đến trò chơi, nghệ thuật, giải trí và công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology - DLT).
Blockdata nhận định, NFT đang là cơ hội của các tập đoàn khi chúng ngày càng phổ biến, bởi đây là xu hướng mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp đang phát triển mạnh nền tảng giúp người dùng có thể mua bán NFT thuận lợi. Do đó, nhu cầu vốn đổ vào lĩnh vực này đang rất lớn.
Ông Trần Minh Duy, Giám đốc Điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam cũng đánh giá blockchain là một công nghệ mới, tiềm năng nên sẽ hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm lớn và nhanh hơn các lĩnh vực khác. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam, nơi đang có lợi thế phát triển công nghệ blockchain với nhiều startup nhanh nhạy, một thị trường năng động, để có thể tiếp tục hút vốn đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới.
Một “cá mập” khác là đại diện Quỹ đầu tư VSV Capital cũng nhìn nhận startup blockchain là “miếng mồi” rất đáng để các quỹ đầu tư săn tìm. Do đó, sau 8 năm thành lập với việc rót vốn cho hơn 80 startup, với gần 70% số startup vượt qua “thung lũng chết”, VSV Capital cũng chuyển hướng sang săn các startup liên quan đến blockchain.
“Chúng tôi đã nhận ra được nhiều yếu tố thuận lợi, tiềm năng khi đầu tư trong blockchain – những điều mà đầu tư truyền thống khó có thể đạt được. Các startup blockchain đều sở hữu đồng tiền kỹ thuật số riêng, giúp cộng đồng cùng tham gia đóng góp, xây dựng dự án và khi kéo được cộng đồng tham gia đồng hành cùng phát triển thị trường, thử nghiệm sản phẩm sẽ giảm thiểu tỷ lệ thất bại của dự án. Do đó các nhà đầu tư, quỹ đầu tư ban đầu cũng hưởng lợi rất nhiều”, ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, đồng sáng lập VSV Capital chia sẻ.
Thấy gì sau các cuộc thâu tóm?
Thực tế, các thương vụ đầu tư startup luôn được các “ông lớn” công nghệ âm thầm thực hiện trong nhiều năm nay. Đây được xem là một trong những “lá bài” giúp doanh nghiệp trụ vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt. Bởi lẽ, nhiều “cây đại thụ” nổi tiếng đã ngã xuống như Nokia, Kodak… vì chậm đổi mới sáng tạo đã trở thành vết xe đổ mà không “gã khổng lồ” nào muốn tiếp tục dẫm phải.
Mặc dù không phải thâu tóm startup thì các công ty công nghệ mới có nguồn lực đổi mới sáng tạo, bởi mỗi năm, họ đều chi hàng tỷ USD cho R&D (nghiên cứu và phát triển) và sở hữu hàng chục nghìn sáng chế. Đơn cử như trong năm ngoái, Samsung có 13.023 bằng sáng chế, Huawei là 9.739, IBM là 3.038, Google là 1.829 bằng sáng chế…
Thế nhưng, cuộc đua công nghệ vốn dĩ không dành cho những tay chơi chậm chạp. Vì vậy, số lượng sáng kiến của các công ty công nghệ dù lớn đến đâu cũng không thể bao phủ được hết những xu hướng mới liên tục xuất hiện trong một thị trường liên tục biến động.
Do đó, việc vươn cánh tay ra nắm lấy startup được xem là bước đi chiến lược của các “ông lớn” công nghệ, để bổ sung nguồn lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, bởi đây là nguồn lực quan trọng duy trì sự tăng trưởng và tạo khoảng cách với các đối thủ trong ngành.
Còn đối với startup blockchain, đây cũng là một cơ hội lớn cho họ khi có thêm nguồn lực về tài chính đảm bảo, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên thế giới đang siết lại; vừa có thể gia nhập vào hệ sinh thái to lớn đến từ các tập đoàn công nghệ để bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Ngoài ra, làn sóng vốn đầu tư từ các tập đoàn rót về startup blockchain cũng là động lực thúc đẩy thị trường khởi nghiệp công nghệ mới thêm phần ấm áp trong bối cảnh thị trường đầu tư đang ở trong mùa đông lạnh lẽo.
Mọi chuyện có thực sự dễ dàng?
Tuy vậy, việc thâu tóm các startup không dễ dàng thực hiện dẫu có tiền. Đơn cử như Apple, 6 năm trở lại đây, táo khuyết đã thực hiện thâu tóm 100 công ty khởi nghiệp, tương đương mỗi tháng một công ty. Nhưng bước sang năm nay, Apple chỉ có 2 thương vụ là rót vốn cho Credit Kudos và AI Music, mặc dù hãng táo có thừa nguồn lực tài chính để thực hiện nhiều cuộc thâu tóm hơn.
Trong khi nhiều đối thủ tăng ga thâu tóm startup, thì gã khổng lồ đang chậm lại trong hoạt động này. Bởi với Apple, việc thâu tóm startup ở thời điểm hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó bao gồm việc khó hoặc thậm chí không thể xin phê duyệt của cơ quan quản lý, do hãng đang lọt vào tầm ngấm vì hành vi liên quan đến App Store.
Nhiều hoạt động M&A của các công ty công nghệ lớn khác cũng đang bị cơ quan quản lý siết chặt. Chỉ trong nửa đầu năm nay, 2 công ty công nghệ là Meta và Nvidia đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) tuýt còi vì hoạt động thâu tóm startup.
Cũng trong năm ngoái, FTC chỉ mặt 5 “ông lớn” công nghệ gồm Alphabet, Apple, Amazon, Microsoft và Meta vì thường lợi dụng các lỗ hổng luật pháp để qua cửa cơ quan điều hành trong các thương vụ M&A.
Do đó, với startup công nghệ mới như blockchain, khi khuôn khổ pháp lý tại nhiều quốc gia cho lĩnh vực này chưa được hoàn thiện, thì đây vẫn là một rào cản sẽ ngáng đường thương vụ M&A trong lĩnh vực này.