Qua thời ‘ăn xổi’, các startup blockchain tìm đến nguồn vốn thật
(DNTO) - Dòng vốn đầu tư mạo hiểm hiện không còn dễ dãi như thời điểm năm 2021, buộc các dự án blockchain phải quay về “làm thật” để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư.
Lửa ấm trong mùa đông
Chỉ trong nửa năm 2021, các dự án blockchain Việt Nam đã gọi được khoảng hơn nửa tỷ USD, nhưng bước sang năm 2022, tốc độ này đang chậm lại. Bởi sau thời kỳ phát triển ào ạt, các dự án blockchain đang bước vào thời kỳ thanh lọc mạnh mẽ, khi các dự án lừa đảo nhanh chóng rút khỏi thị trường, các dự án kém chất lượng không còn nguồn lực để phát triển.
Nếu những kẻ cơ hội đang rất sợ “mùa đông” khi thị trường tiền số lao dốc, các quỹ đầu tư mạo hiểm thắt chặt nguồn vốn, thì dưới góc độ người làm sản phẩm như ông Ngọc Thiện, admin Cộng Đồng DragonGame, cho biết rất trân trọng “mùa đông” này.
“Thay vì ngoài kia rất nhiều người đi kêu ca, thì chúng tôi đang tập trung làm sản phẩm, phân tích trend mới và cần tận dụng vì thị trường đang sàng lọc đối tượng, người chơi, những dự án chưa chất lượng và cả những yếu kém của thị trường mùa trước. Đây cũng là thời điểm các quỹ đầu tư lớn hay nhà đầu tư chuyên nghiệp đi sàng lọc để tìm kiếm các xu hướng mới sẽ bùng nổ như metaverse, web 3, NFT… thay vì đi ngược lại để chốt lời, tìm kiếm vài % thống hồi của các đồng tiền số”, ông Thiện cho hay.
Cũng đặt kỳ vọng vào những cơ hội trong “mùa đông”, ông Nguyễn Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết đây là thời điểm để thay đổi nhận thức của cộng đồng về blockchain.
“Trong mùa tăng trưởng, cái gì cũng lên, người ta không thể biết được đâu là 'thượng vàng, hạ cám'. Chính công ty của Huy cũng mất rất nhiều nhân sự rời bỏ đến dự án khác, bởi trong mùa này có tiền quá dễ, các dự án có rất nhiều tiền. Nhưng hiện tại, thời điểm bình bình, thậm chí hơi sụt giảm một chút, đó là lúc thử thách niềm tin và xem có dám đi đến cùng mục tiêu của mình hay không. Đây là thời điểm chúng ta nên tập trung giáo dục, tập trung phổ cập kiến thức blockchain”, ông Huy cho biết.
Có nỗ lực sẽ có huy chương
Bà Jennie Hoàng Phương, CEO Công ty D.lion Media & Solutions cho biết, các dự án startup có khả năng rơi vào ý tưởng cục bộ, bởi startup luôn dồi dào năng lượng nhưng lại thiếu đánh giá thị trường, làm cho dự án trở nên màu hồng, nghĩ rằng đây là thị trường nhiều cơ hội nên sẽ có rất nhiều quỹ đầu tư để mắt, nhưng thực tế các quỹ sẽ đến và đi rất nhanh.
“Để tránh được rủi ro phải từ sự cam kết của người làm sản phẩm. Không thể nào yêu cầu tất cả cộng đồng tin mình mà không dựa trên nền tảng nào. Một dự án dù ít hay nhiều, tầm nhìn xa hay gần, đội ngũ phát triển team luôn là câu hỏi cho các quỹ đầu tư mà gần như các quỹ đều tìm hiểu. Một đội ngũ nhân sự đem đến một niềm tin bền vững phải có một người phụ trách phát triển dự án, ngoài ra có thêm cánh tay trái, phải CTO lo về nền tảng, CIO lo về vận hành thông tin, CSO chuyên lo về bảo mật”, bà Phương khuyến nghị.
Và đương nhiên, khi các dự án tập trung xây dựng một sản phẩm tốt, thì dù thị trường gọi vốn nói chung ảm đạm vì khủng hoảng kinh tế, vẫn có những khe cửa sáng dành cho họ.
Dưới góc độ người đi “săn” startup, ông Trần Minh Duy, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam đánh giá, startup blockchain ở Việt Nam đang vượt trội hơn so với các nước khác vì quy tụ đội ngũ kỹ thuật tốt, lại phát triển trong thị trường nhạy bén, bắt sóng nhanh với công nghệ mới. Vì vậy, dòng tiền đổ vào startup blockchain Việt Nam thời gian qua cũng nhanh, nhiều hơn so với lĩnh vực công nghệ khác.
“Theo tôi đánh giá thì trong thời gian tới, tỉ lệ số vốn rót vào startup blockchain có thể chiếm 1/3, thậm chí 1/2 trong tổng số vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam”, ông Duy nhận định.
Thế nhưng, hiện nay, nhiều startup blockchain tầm cỡ của Việt Nam vẫn đang đặt trụ sở tại nước ngoài, như Singapore hay Hồng Kông – nơi có hành lang pháp lý cởi mở, thuận lợi cho phát triển các công nghệ mới, cũng như thuận lợi để dòng tiền có thể chảy về.
Vì vậy, ông Duy cho biết Việt Nam muốn giữ chân startup bockchain để có thêm nguồn lực phát triển nền kinh tế số thì cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý cho lĩnh vực này, để tạo điều kiện cho startup phát triển sản phẩm, cũng như khơi nguồn cho dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài rót về.
Cũng theo các chuyên gia, hiện tại các quỹ đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam đang sở hữu cả một hệ sinh thái blockchain, chứ không đơn thuần là các dự án đơn lẻ. Tuy vậy, trong “mùa đông” này, các quỹ vẫn đang trong giai đoạn nghe ngóng thị trường và quan sát các dự án, do đó sẽ chưa thể chứng kiến trở lại một dòng vốn ồ ạt đổ vào blockchain giống như năm ngoái.
Nhưng trong năm 2022, với sự kiên trì của đội ngũ xây dựng các dự án blockchain chất lượng, kỳ vọng đến cuối năm hoặc đầu năm 2023, vốn mạo hiểm rót vào startup blockchain Việt Nam sẽ sôi động trở lại.