Đã đến lúc cần nhiều người hiểu ‘blockchain thực sự là gì?’
(DNTO) - Ngành blockchain đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh mẽ, nhưng nếu không có cộng đồng đủ lớn, đủ kiến thức để hiểu về ngành thì cũng khó có thể thành công.
Để blockchain không mang tiếng oan
Dù blockchain là công nghệ không mới, nhưng trong đại dịch Covid-19, nó nổi lên như một hiện tượng công nghệ, đầu tiên là gắn liền với sự bùng nổ của tiền số.
Thế nhưng, sự lao dốc không phanh của thị trường tiền số, cùng với hàng loạt các dự án “gắn mác” blockchain để huy động vốn trái phép, lừa đảo nhà đầu tư, đã khiến tên tuổi của công nghệ này bị ảnh hưởng ít nhiều. Bởi lẽ, số người có kiến thức và hiểu về blockchain chỉ đếm trên đầu ngón tay; nhưng số người ăn theo trào lưu này thì đông như kiến cỏ.
Hiện đa phần các khái niệm về blockchain vẫn còn khá chung chung, khó hiểu. Định nghĩa blockchain tổng hợp trên Internet đều là “công nghệ chuỗi khối” hay “cuốn sổ cái”, “là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa, không thể xóa, sửa hay thay đổi”…
Các chuyên gia đều nói mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều có thể ứng dụng blockchain. Thế nhưng, rất ít phân tích cho mọi người thấy thực tế blockchain ứng dụng trong mỗi ngành nghề như thế nào.
Kể câu chuyện của bản thân mình khi bước vào lĩnh vực này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ, ông tham gia vào lĩnh vực blockchain từ năm 2017, bắt đầu từ cơ hội khi bitcoin tăng giá, với suy nghĩ đơn giản, tin vào truyền thông cho rằng đồng tiền này sẽ tăng giá.
Nhưng khi vừa đặt chân vào thì thị trường tiền số sụp đổ, cũng giống như nhiều nhà đầu tư khác, ông Trung rất hoang mang. Sau đó, ông Trung lục tìm cuốn sách về blockchain, tham khảo các tài liệu về công nghệ này, nhưng rất khó khăn, khó hiểu. Ông Trung cho biết mọi người hầu như chỉ có thể biết đến blockchain thông qua hình thức “truyền miệng” chứ không thực sự hiểu bản chất là gì.
“Ngày đầu tiên mở diễn đàn, chúng tôi thi nhau viết blockchain là gì, sau đó ngồi sửa lại cho nhau, tức tất cả các chuyên gia bàn luận nhưng không thể định nghĩa blockchain là gì. Tôi hy vọng có thể phối hợp với các đơn vị để viết ra định nghĩa blockchain, với nhiều cách nhìn để khi nói với các nhà chính trị, với những người lập trình hay các bạn sinh viên… họ đều có thể hiểu. Và khi người ta có thể hiểu blockchain như động lực về tiền, cơ hội nghề nghiệp để thay đổi những cái đó ở trong công ty thì người ta sẽ bắt đầu học”, ông Trung cho hay.
Vị chuyên gia cũng đưa ví dụ về ngành vật lý học, ban đầu, thuyết tương đối hẹp cho đến thuyết tương đối rộng của nhà bác học Albert Einstein rất ít người có thể hiểu được, kể cả hiểu thì không biết ứng dụng như thế nào. Nhưng đến nay, khi lý thuyết đó được ứng dụng trong thực tế từ kính viễn vọng, máy tính lượng tử… người ta đã hiểu được nó. Và blockchain thời gian tới cũng cần như vậy.
Giá trị của một cộng đồng
Cách đây 2 hôm, ngay tại trụ sở Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam để tổ chức một hội thảo quốc tế liên quan đến công nghệ blockchain, để tìm hiểu về cách vận hành của công nghệ mới, từ đó tìm ra cách thức hỗ trợ phát triển.
Cùng với đó, hàng loạt các chủ trương, chính sách ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain cũng đã được nêu trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749 của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Động thái này cho thấy, công nghệ blockchain đã và đang được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và coi là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế số. Do vậy, một vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao phát triển một cộng đồng blockchain đủ lớn, đủ mạnh, cả chuyên gia, cố vấn cho đến những người dùng có kiến thức cơ bản về công nghệ này.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển gắn liền với cộng đồng, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alphabook kể, khoảng 20 năm trước, trong nền kinh tế Việt Nam, có tới 80% là doanh nghiệp nhà nước. Khi chọn xuất bản sách, Alphabook lựa chọn hướng xuất bản sách kinh doanh, nhưng lúc đó kinh tế tư nhân còn rất nhỏ bé.
Lúc này, ông Bình phải đặt cược vào 2 điểm: một là nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vì người Việt là một dân tộc trẻ, hăng hái, năng động; hai là Việt Nam mở cửa với thế giới là tất yếu, khi đó kinh tế tư nhân sẽ phát triển, lúc đó sẽ cần tri thức.
“Tôi có một triết lý chỉ khi nào cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển thì chúng tôi mới thịnh vượng. Quay trở lại với câu chuyện blockchain, chúng ta không thể đứng một mình. Chúng ta có một cuộc chơi, chương trình, rõ ràng sự thành công của chúng ta gắn liền với sự phát triển của cộng đồng. Họ phát triển sẽ cộng hưởng với startup phát triển. Đây cũng là một hình thức đầu tư, đầu tư nuôi dưỡng và phát triển sự hiểu biết của con người Việt Nam nói chung và cộng đồng blockchain nói riêng. Thông qua đó chúng ta cũng mang lại giá trị của mình”, ông Cảnh Bình nói.
Ông Nguyễn Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho rằng đây là thời điểm nên tập trung giáo dục, tập trung phổ cập kiến thức blockchain. Bởi đây là công nghệ hiếm hoi mà Việt Nam có cơ hội đi đầu so với thế giới. Đây là câu chuyện có thể kể để thu hút mọi người tham gia và tin vào nó.
“Tại Thung lũng Silicon, các công ty lớn như Google, Facebook hay Apple, họ có khả năng tuyển người rất cao. Nó không chỉ nằm ở việc họ thay nhân sự rất nhiều vì có công ty startup còn thay người nhiều hơn. Nhưng mình phải truyền được cho họ niềm tin rằng thứ họ làm sẽ thay đổi điều gì, vì sao blockchain lại quan trọng.
Khi xây dựng một lứa nhân tài mới của Việt Nam, chúng ta không sợ mất họ vì họ không ở công ty Việt nam này thì sẽ sang phục vụ công ty Việt khác. Ngay cả công ty của tôi bây giờ, một số người chưa biết, chúng tôi lôi kéo ngược từ Mỹ, Anh, châu Âu về. Bởi vì họ thấy được câu chuyện gì đó lớn lao hơn câu chuyện tài chính đơn thuần. Đó là câu chuyện về một công nghệ mà Việt Nam có thể nắm bắt và đi đầu”, ông Huy chia sẻ.