Các doanh nghiệp lớn được khuyến khích ra đề bài cho startup
(DNTO) - “Chúng tôi đã đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đi cùng các bạn khởi nghiệp hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Những kinh nghiệm từ các doanh nhân thành công là bài học rất quý cho startup”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sau một thời gian triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) từ năm 2016 đến nay, bản chất, đặc thù của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi và cần sự điều chỉnh trong chính sách.
“Nếu không có chính sách mới hoặc thử nghiệm chính sách sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội. Điều đó được thực hiện từ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước, nếu hiệu quả, có lợi ích thì dần dần sẽ điều chỉnh luật. Vì vậy, chúng tôi cũng đang đề xuất cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách) để tạo môi trường cho các startup phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hướng dẫn và tổ chức thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam theo khái niệm “mở”, với sự tham gia của nhiều thành phần và kết nối chặt chẽ hơn. Việc này được kì vọng sẽ mang đến diện mạo mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Cụ thể là kết nối với tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Những người khởi nghiệp, với trí sáng tạo lớn sẽ giải quyết đề bài của các tập đoàn. Tuy nhiên, năng lực của startup thường không đủ, vì vậy cần nguồn lực từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
“Chúng tôi cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đi cùng các bạn khởi nghiệp hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Những kinh nghiệm từ các doanh nhân thành công là bài học rất quý cho startup. Chúng tôi hi vọng với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở giúp hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt nhịp với thế giới”, ông Tùng chia sẻ trong Diễn đàn Chính sách Quốc gia Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo 2021 – 2025, thuộc Techfest Việt Nam 2021, chiều 14/12.
Thực tế, tại Israel, nơi được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp đã thành công khi phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ cho nhà nghiên cứu kết nối với doanh nghiệp.
Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, ví dụ như ngân hàng ở Israel sẽ được khuyến khích mở một vườn ươm ngay trong doanh nghiệp của mình để bắt tay với startup, đưa ra giải pháp hỗ trợ cho chính ngân hàng như fintech… Tất cả các hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng mà còn tạo ra các doanh nghiệp độc lập, có thể đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng khác tại Israel hoặc trên toàn thế giới.
“Đây là cách Israel tận dụng xu hướng đổi mới sáng tạo để phục vụ cho sự phát triển tương lai. Chúng tôi định hướng startup đi theo những lĩnh vực của tương lai như AI, công nghệ lượng tử, công nghệ khí hậu…Chính phủ Israel vừa là người kiến tạo hệ sinh thái, chủ thể hệ sinh thái, vừa đầu tư R&D và hỗ trợ các doanh nghiệp. Cơ chế chính sách Chính phủ tạo ra là sự hỗ trợ tốt hơn nhiều so với việc đầu tư vật chất”, ông Nadav Eshcar chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm Chính phủ phải là chủ thể quan trọng nhất của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam cho hay, hiện nay các nhà sáng chế nghiên cứu rất nhiều giải pháp nhưng còn rất dè dặt, đắn đo liệu sản phẩm của mình có thể có chỗ đứng trên thị trường hay không. Vì vậy, cần phải có các tổ chức sàng lọc, đánh giá các sản phẩm công nghệ Việt để có động viên khích lệ nhà khoa học theo kinh nghiệm của Singapore để hỗ trợ các startup. Ngoài ra, Nhà nước nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ “made in Việt Nam”, bằng việc đặt hàng từ nguồn ngân sách.