Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ 1.0, 2.0
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng cần đầu tư, tạo động lực cho doanh nghiệp để họ dám đổi mới cho công nghệ, phát triển bền vững và tiến gần tới công nghệ 4.0.
Sáng 3/11, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố báo cáo "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế".
Phát biểu tại sự kiện, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ cho kết quả tốt về mặt kinh tế và cách tư duy giúp xây dựng khung chính sách giúp gắn kết nguồn lực.
“Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam", Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết.
Theo bà Phạm Hiền, dự án Data61- CSIRO, tại Việt Nam, nhiều ngành đang phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ như ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, quản lý điện lực). Đặc biệt ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới.
Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng đổi mới công nghệ, thể hiện tỷ trọng khoa học, đổi mới, sáng tạo (SCI) ngày càng tăng và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển dịch này. Tuy nhiên, nhiều ngành mới nổi vẫn cần phải tiếp tục tích lũy kiến thức đổi mới sáng tạo để thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ.
“Trước đây 5 năm, tỷ trọng SCI mới ở mức 5% nhưng đã tăng đáng kể lên tới 20% hiện nay. Đặc biệt Việt Nam đang có những chủ thể "chơi lớn" - năng động, có đầu tư lớn, cũng như sẵn sàng phát triển ứng dụng công nghệ mới trên thị trường”, bà Hiền nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy bình luận, từ báo cáo về các nước đang phát triển ở Đông Á cho thấy, khu vực này đầu tư khoa học công nghệ chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế, Việt Nam cũng thuộc số đó.
“Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa với mức 4.0. Vì vậy cần có đầu tư, tạo động lực cho doanh nghiệp để dám đổi mới cho công nghệ, phát triển bền vững hơn. Thực tế các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch thời gian qua là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Duy nói.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, doanh nghiệp muốn đổi mới gặp rất nhiều thách thức, trước hết là thay đổi thói quen, sau đó là thiếu thông tin.
Hiện Rạng Đông đang xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số) nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất.
“Không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp mà phải tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp muốn bứt phá”, đại diện Rạng Đông cho hay.