‘Hội chứng doanh nghiệp lớn’ sẽ tiếp tục đánh gục các thương hiệu khổng lồ như Nokia, Blockbuster
(DNTO) - Sự ra đi của các ông lớn như Nokia, Kodak, Yahoo hay Blockbuster là bài học đắt giá cho những kẻ không nắm bắt xu hướng, không chịu đổi mới sáng tạo để thích nghi với thị trường. Trong thời đại biến động nhanh chóng sau đại dịch, bài học này càng có giá trị.
Netflix hiện là dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 200 triệu người đăng ký tính đến cuối năm 2020. Cách đây 20 năm, nhà sáng lập Reed Hastings từng gõ cửa gã khổng lồ cho thuê DVD Blockbuster với đề nghị được sử dụng kho video online của hãng, đổi lại, Blockbuster sẽ cung cấp dịch vụ Netflix trong các cửa hàng của mình. Thế nhưng, ý tưởng hợp tác này đã bị Blockbuster từ chối và cười nhạo.
Không ngờ rằng, sau đó 10 năm, sự phát triển không ngừng của internet khiến người dùng chuyển từ xem phim DVD sang xem phim trực tuyến, Blockbuster phá sản vì không chịu thay đổi để nắm bắt xu thế này. Còn Netflix liên tục phát triển và ghi nhận doanh thu lên tới 25 tỉ USD vào năm 2020 và tổng giá trị gấp hàng chục lần Blockbuster vào thời đỉnh cao.
Blockbuster hay trước đó là sự ra đi của hàng loạt các doanh nghiệp sừng sỏ như Nokia, Kodak, Yahoo đều là kết cục chung của những kẻ không chịu đổi mới để thích nghi với các xu hướng của thị trường.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Ernst & Young Việt Nam (thuộc tập đoàn Ernst & Young - một trong bốn hãng dịch vụ kiểm toán hàng đầu thế giới) lý giải, một số doanh nghiệp, tổ chức lớn thường rơi vào “hội chứng doanh nghiệp lớn”, thường nhầm lẫn việc thực thi chiến lược với đổi mới sáng tạo. Hay trong khi thực hiện đổi mới sáng tạo nhưng lại mang tư duy của việc thực thi chiến lược.
Bởi lẽ, việc thực thi chiến lược thường được hiểu là làm tốt công việc hiện tại, tăng hiệu suất, hoàn thành KPI và hạn chế rủi ro; trong khi đổi mới sáng tạo phải hướng tới việc tạo ra sự khác biệt, bằng cách xây dựng hệ sinh thái và thúc đẩy hệ sinh thái đó, đặc biệt luôn phải đón nhận và cân bằng rủi ro trong tương lai.
“Bản thân doanh nghiệp thường xoáy theo mục tiêu làm sao đảm bảo KPI song song với việc đảm bảo không chịu áp lực tài chính lớn. Vì doanh nghiệp thường nghĩ rằng “con thuyền đang chạy tốt thì làm nó lung lay để làm gì”, chỉ đến khi gặp sự cố thì họ mới biết là có sự cố. Có những công ty hiện tại hoạt động rất tốt nhưng chỉ sau vài năm sẽ trở nên lỗi thời với thị trường, lỗi thời với người tiêu dùng và xã hội”, ông Thắng nói trong hội thảo về xu hướng đổi mới sáng tạo do BambuUp tổ chức tối 19/11.
Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp càng lớn càng phải coi trọng đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Misa cho biết, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp lớn khác với doanh nghiệp nhỏ và startup.
Bởi trong startup, họ bắt đầu với mô hình mới, nên mỗi thành viên đều mang trong mình tâm thế đổi mới sáng tạo, họ thay đổi, thích ứng rất nhanh; còn đối với doanh nghiệp càng lớn, khả năng thay đổi lâu hơn, “giống như khi gặp chướng ngại vật, xe máy sẽ chuyển hướng nhanh hơn là một đoàn tàu với hàng chục toa”, vì vậy, đổi mới sáng tạo cần tạo thành văn hóa thấm nhuần đến từng nhân viên.
Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Hoàng cho biết, trước kia khi quy mô còn nhỏ, Misa cũng thay đổi rất nhanh với thị trường: “khách hàng bảo gì chúng tôi sẽ làm đó vì không còn lựa chọn nào khác, bởi kiếm được một khách hàng đã vô cùng khó khăn. Cả công ty làm ngày làm đêm chỉ để phục vụ một khách hàng”.
Tuy nhiên khi phát triển quy mô lớn, hàng chục nghìn khách hàng và thậm chí dẫn đầu thị trường thì doanh nghiệp rất dễ gặp cảm giác tự mãn. Với sự ra đời của nhiều sản phẩm mới từ startup với những tính năng vượt trội hơn, Misa ngay lập tức phải nhìn lại mình, tìm phương pháp và xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp mình để tạo ra những sản phẩm tối ưu hơn, những mô hình kinh doanh mới hiệu quả hơn.
Để tránh “hội chứng doanh nghiệp lớn”, theo vị chuyên gia của Ernst & Young Việt Nam, doanh nghiệp nên xây dựng “mô hình 2 tốc độ” trong cùng một doanh nghiệp. Cụ thể, một mô hình sẽ chạy rất nhanh để duy trì kế hoạch hàng quý, hàng năm nhằm đảm bảo doanh nghiệp vận hành, có lợi nhuận và không chịu áp lực tài chính. Tuy nhiên, nên có một mô hình khác chạy bình tĩnh để thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp thích ứng với sự biến đổi trong tương lai. Đây cũng chính là mô hình startup trong các doanh nghiệp lớn.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn như VinGroup, Viettel hay FPT đang thực hiện mô hình này, bằng cách tự xây dựng hệ sinh thái, mở rộng cửa cho startup, doanh nghiệp khác hợp tác nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
“Hội chứng doanh nghiệp lớn’ là sự nguy hiểm hiện hữu ở nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay, đặc biệt là khi đại dịch Covid- 19 bùng phát khiến mọi hoạt động trong xã hội thay đổi nhanh hơn. Vì vậy, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết, đặc biệt phải có tính liên đới đến thị trường, thương mại hóa trong tương lai và phát triển một mô hình trong tương lai, thay vì chỉ hướng đến hiện tại”, ông Thắng nhấn mạnh.