Thị trường bán lẻ hàng trăm tỷ USD vẫn chờ các startup.
(DNTO) - Các startup nông nghiệp công nghệ cao hay trong lĩnh vực quản lý kho vận, logistics đang có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ có quy mô ước đạt 350 tỷ USD vào năm 2025.
20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, đại gia ngành bán lẻ MM Mega Market vẫn khao khát hợp tác với các startup trên các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ quản lý kho vận, quản lý logistics, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe, bao bì thân thiện với môi trường.
Bởi lẽ, theo Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Trần Thị Kim Nga chia sẻ trong Hội thảo “Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối”, sáng 18/11, câu chuyện “được mùa, mất giá” của hàng hóa Việt Nam vẫn chưa tìm cách giải quyết hiệu quả. Nông dân Việt Nam ưa trồng những cây ngắn hạn, dễ trồng, ít vốn, năng suất cao. Vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều trở ngại khi nhiều hộ vẫn giữ thói quen lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, thực phẩm lậu, thực phẩm giả, không an toàn còn nhiều.
Ngoài ra việc thiếu cập nhật thông tin về tình hình thị trường trong và ngoài nước khiến nông sản thường xuyên lâm vào tình cảnh ùn ứ, dù giảm giá cũng khó tiêu thụ. Do vậy, đã rất nhiều lần cơ quan chức năng phải kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa do sản xuất dư thừa.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, hiện nay, làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh nhờ có sự trợ lực của Đề án 844, trong đó các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm tuy còn mới mẻ nhưng không ít tiềm năng bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng, cung cấp nguồn cung cho các kênh phân phối. Nhiều startup thành công đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Postmart…
Tuy nhiên, việc tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản, kể cả những vấn đề như pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì, mẫu mã…
Mặc dù đánh giá cao sản phẩm đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, startup trong thời gian vừa qua, tuy nhiên ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cũng đồng tình với quan điểm cho rằng sản phẩm này vẫn khó khăn khi tiếp cận các siêu thị.
Nguyên nhân là do những sản phẩm đổi mới sáng tạo khó khăn là những sản phẩm mới, đáp ứng những nhu cầu mới. Vì vậy, đòi hỏi nhà sản xuất phải giáo dục thị trường để khách hàng biết đến, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm của mình. Khi khách hàng đã quen, đã thích sản phẩm đó rồi thì họ mới tìm đến siêu thị, cửa hàng để mua hàng. Còn đa phần những mô hình mà cửa hàng tự chọn hiện nay không có những nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm mới cho khách hàng.
Vì thiếu kinh nghiệm phân phối bán lẻ, nên những doanh nghiệp như Vinasamex dù đã có 10 năm sản xuất, xuất khẩu sản phẩm quế, hồi, gia vị hữu cơ sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng khi quay trở về phân phối tại hệ thống bán lẻ trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Vinasamex mất nhiều thời gian tìm được chuỗi siêu thị phù hợp với sản phẩm của mình, hay thủ tục giấy tờ để tiếp cận các chuỗi phân phối. Quan trọng nhất với một sản phẩm là chất lượng và mẫu mã. Doanh nghiệp đều hiểu cần phải xây dựng bộ nhận diện thương hiệu tốt nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiền đầu tư”, bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Vinasamex cho hay.
Thế nhưng, khi thị trường bán lẻ còn nhiều bài toán cần giải quyết, thì cơ hội của startup cũng còn rất nhiều. Đó là cơ hội để startup nông nghiệp công nghệ cao phát triển các sản phẩm nông sản đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế, hay đầu tư phát triển công nghệ chế biến để tăng giá trị sản phẩm hoặc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong vận hành chuỗi cung ứng, tối ưu chi phí vận chuyển…
Điển hình như Smartlog, startup cung cấp nền tảng logistics đã nhanh chóng “chớp” lấy cơ hội chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi dịch bệnh để tung giải pháp logistics phục vụ doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Nhờ vậy, Smartlog đã có thể ‘chen chân’ và hệ sinh thái của các công ty lớn như Sabeco hay Yến sào Thiên Việt.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công thương mong muốn thời gian tới startup sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học Công nghệ trong sản xuất ra những hàng hóa chất lượng, với tiêu chuẩn cao để có thể đi vào hệ thống phân phối hiện đại. Hay trong tương lai, những hệ thống phân phối truyền thống, như chợ hay các cửa hàng tạp hóa cũng sẽ áp dụng tiêu chuẩn kĩ thuật như Bộ ngành đưa ra. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho các startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.