Ngành bán lẻ và áp lực lấy lại đà tăng trưởng cuối năm

(DNTO) - Dù các địa phương đang dần nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường được dự báo sẽ rộn ràng hơn vào dịp mua sắm cuối năm, tuy nhiên, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 vẫn khiến ngành bán lẻ khó bứt phá trở lại.

Hàng loạt cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa vì đại dịch và hiện vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động. Ảnh: T.L.
Dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 vẫn giảm tới 28,4%.
Nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… chiếm 50-60% tổng mức bán lẻ của cả nước lại chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh và các lệnh giãn cách xã hội kéo dài, khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).
Nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đã phải đóng cửa trên diện rộng vì các mặt hàng kinh doanh không nằm trong nhóm hàng thiết yếu, điển hình như Thế Giới Di Động phải tạm dừng hoạt động 600-700 cửa hàng, PNJ cũng phải đóng cửa 240 điểm, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của các doanh nghiệp.
Mặc dù hệ thống siêu thị vẫn có thể duy trì hoạt động buôn bán hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống trong mùa dịch, nhưng bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, những mặt hàng này không mang lại lợi nhuận nhiều cho các nhà bán lẻ. Bởi lẽ nhóm hàng này luôn bị so sánh với các cửa hàng tạp hóa bên ngoài nên nhiều đơn vị thậm chí phải giảm giá, chấp nhận lợi nhuận 0% với mục đích dẫn dắt khách đến siêu thị chứ không thể kỳ vọng tăng margin cho hệ thống bán lẻ.
“Mọi người nghĩ rằng trong mùa dịch, khách vẫn đến hệ thống bán lẻ mua hàng ầm ầm thì vẫn kinh doanh tốt. Nhưng thực tế rất khó khăn bởi chi phí vẫn phải duy trì như vậy, trong khi chỉ bán được thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nên không đủ để vận hành cả hệ thống siêu thị”, bà Hậu nói.

Ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng kéo dài bởi việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: T.L.
Hiện dịch Covid-19 đang bước đầu được kiểm soát, việc phủ sóng vaccine cũng đang được thực hiện gấp rút hơn, là những tín hiệu đáng mừng để phục hồi kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ. Đặc biệt, thị trường thế giới đang bước vào dịp mua sắm cuối năm với lượng tiêu dùng lớn nhất trong năm, được kỳ vọng là cơ hội để ngành bán lẻ phục hồi.
Tuy nhiên, để ngành này có thể bứt phá trở lại trong năm nay vẫn còn khó khăn. Bởi theo bà Vũ Thị Hậu, bán lẻ phụ thuộc vào người tiêu dùng. Khi người dân thắt chặt chi tiêu bởi thu nhập giảm, mất việc, cộng thêm giãn cách dài ngày khiến mức độ mua sắm của người dân sụt giảm, ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống bán lẻ trên cả nước.
“Nếu trước kia người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để dùng thử sản phẩm mới hoặc món hàng cao cấp, mua hàng thời trang, gia dụng… thì giờ đây các mặt hàng này đã bị cắt giảm triệt để”, bà Hậu cho hay.
Tại EU, theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, khoảng 115 triệu người (23,4%) sống trong các hộ gia đình có thu nhập dưới mức nghèo khó. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU hiện cao kỷ lục, với hơn 23 triệu người.
Tại Việt Nam, một khảo sát được thực hiện vào đầu tháng 8/2021 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đối với trên 69 nghìn người lao động cho thấy, có đến 62% lao động đang bị mất việc làm và cuộc sống rất khó khăn kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhận định, nhóm người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 từ năm 2020 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2021. Vì vậy, họ sẽ tinh giản tiêu dùng và chi tiêu, bỏ bớt những hàng hóa không thiết yếu, đồng thời giảm chi tiêu bên ngoài.
Nhóm người tiêu dùng mới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bắt đầu trải qua sự sụt giảm trong thu nhập sẽ mang tâm lý lo sợ, vì vậy họ cũng thu hẹp chi tiêu trong tất cả các lĩnh vực, bỏ chi tiêu tùy ý để đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản.
Dự báo về khả năng phát triển của ngành bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, giai đoạn 2022-2025, dịch bệnh dự báo sẽ được đẩy lùi nhờ việc tiêm vaccine phủ rộng. Ngành bán lẻ phát triển theo sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, việc mở cửa trở lại của một số nước hiện nay giúp ngành bán lẻ tăng trưởng trong vài năm tới, trong đó, thương mại điện tử sẽ phục hồi cao hơn ngành bán lẻ truyền thống.
Đặc biệt, theo vị này, Việt Nam vẫn là điểm đến cho đầu tư FDI với dân số đông, trẻ và sẽ phục hồi nhanh so với nhiều ngành nghề khác. Việc này đã được minh chứng qua nhiều thương vụ M&A lớn trong ngành bán lẻ trong những năm gần đây và xu hướng này được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.