Một Đà Nẵng sáng bừng trong đêm và cuộc thử nghiệm khi khối công ‘mở cửa nhà’ cho startup
(DNTO) - Nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng… đã nhận ra rằng, việc tích cực đón nhận các giải pháp sáng tạo từ công ty khởi nghiệp sẽ giúp họ bứt phá.
Người ra đề bài cho startup
Giữa tháng 4/2022, lần đầu tiên du khách được trải nghiệm một Đà Nẵng sáng bừng trong đêm thông qua chuỗi sự kiện Light up Đà Nẵng.
Ở bề nổi, đây là chuỗi chương trình tương tác nghệ thuật đường phố về đêm dành cho du khách và giới trẻ; với hàng loạt nội dung hấp dẫn như cuộc thi nhảy Hiphop, DJ Show, thi Kpop Cover, nhảy Flashmob… Công nghệ thực tế ảo tăng cường được ứng dụng để du khách nhìn thấy toàn vẹn thiên nhiên, con người, văn hóa Đà Nẵng.
Nhưng, ở chiều sâu, Light up Đà Nẵng là sự kiện “dò đường” cho cuộc thử nghiệm thành phố ban đêm của Đà Nẵng. Để phát triển kinh tế ban đêm và du lịch thay vì để thành phố “đi ngủ” lúc 11g, UBND TP. Đà Nẵng đã đặt đề bài này cho các bên.
Và ngay sau đó, mô hình City Lab (Phòng thí nghiệm thành phố ban đêm) được ra đời. Tại City Lab, một giải pháp phù hợp sẽ được lựa chọn và thử nghiệm thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và du lịch. Đây được xem là cơ sở để thành phố quyết định có triển khai trên diện rộng hay không.
Đà Nẵng hiện thành phố đứng đầu cả nước trong bản xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Một trong những thành công đó là việc tích cực ra đề bài để kêu gọi các chuyên gia, nhóm nghiên cứu và startup cùng giải quyết.
“Đà Nẵng vẫn kiên trì theo con đường đó, làm sao cộng đồng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Muốn lan tỏa được phải dấn thân, đó là lý do vì sao chúng tôi chọn các trường đại học, nơi rất nhiều bạn trẻ, họ sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng đưa ra các ý tưởng, vì họ ít có kinh nghiệm và cũng chưa bị sai nhiều”, ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, chia sẻ.
Tương tự tại Thừa Thiên Huế, trước đây, dù tốn không ít ngân sách và công sức để đầu tư cho các dịch vụ công trực tuyến, nhưng tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tỉnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp. Bài toán này ngay lập tức được UBND tỉnh này đặt ra để kêu gọi các bên tham gia giải quyết.
Những ngày cuối tháng 11/2021, dự án “Sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của người dân qua cổng dịch vụ công tỉnh” chính thức được phê duyệt.
Quá trình thực hiện dự án là các cuộc họp tham vấn liên tục giữa các bên là các cơ quan, ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng nhóm chuyên gia của UNDP, chuyên gia hành chính công, IT, Đại học Fulbright, để tư vấn lãnh đạo tỉnh các chủ trương, quyết sách phù hợp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kết quả, 4 nhóm thủ tục hành chính được chọn đã có quy trình mới, giao diện của cổng dịch vụ công cũng được khoác “tấm áo” mới thân thiện, tương tác dễ dàng hơn. Thừa Thiên Huế cũng trở thành tỉnh đạt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2021) cao nhất cả nước, đạt 48.059 điểm.
Nguồn vốn ngân sách là “chim mồi”
Chia sẻ về xu hướng khối công đang được thúc đẩy mở cửa cho công ty khởi nghiệp, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết hiện thế giới đang theo mô hình mới, đó là càng “mở” nhiều càng tốt. Một bài toán đặt ra cho tất cả các trường đại học, startup giải quyết thì tập đoàn hay địa phương sẽ thu về giá trị rất cao thay vì chỉ dựa vào nguồn nhân lực nội bộ.
Như tại Singapore, đất nước này mở ra Nền tảng đổi mới sáng tạo mở, có 50 tập đoàn lớn trên thế giới ra đề, còn 150 trường đại học trên toàn châu Á và thế giới tham gia giải đề. Tất cả các giáo sư, vườn ươm, startup giải quyết và phần thưởng dành cho người chiến thắng lên tới 300.000 USD. Nhưng chi phí này rẻ hơn nhiều so với hàng triệu USD họ bỏ ra để nghiên cứu một giải pháp.
“Các tập đoàn, địa phương hiện nay họ mở ra cho xã hội giải quyết, không cần đi nghiên cứu lại cái bài toán mọi người đang giải quyết mà có thể tận dụng để ứng dụng ngay”, ông Quất nói.
Tuy nhiên ông Quất cũng cho biết, tại Việt Nam, nhiều địa phương tuy đã hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn theo dạng khép kín, tức chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương, còn doanh nghiệp tỉnh khác hay quốc gia khác thì chưa được hỗ trợ.
“Đấy là một tư tưởng truyền thống. Hiện nay ở Singapore, họ kêu gọi Việt Nam sang, thậm chí còn hỗ trợ hơn startup ở nước sở tại. Vậy cớ gì tỉnh mình không kêu gọi tài năng ở các địa phương khác sang phát triển”, ông Quất nói.
Còn theo ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, khi các địa phương “mở cửa” cho startup thì câu chuyện liên quan đến nguồn lực đầu tư. Khi đó, Nhà nước phải đầu tư bước đầu, gọi là “chim mồi” để kích thích các startup, doanh nghiệp tham gia.
“Khi nhận thức đã đủ nhưng không đủ quyết tâm và nguồn lực đầu tư thì cũng rất khó. Chúng tôi biết các anh chị làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong môi trường công, khi kí hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất ngại. Các quy định của Bộ Tài chính yêu cầu một năm chỉ hỗ trợ không quá 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong khi thực tế có hàng trăm, hàng ngàn ý tưởng từ cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thể hỗ trợ. Đó là rào cản pháp lý”, ông Viên nói.