Không dựa dẫm vào vốn nhà nước, chuyên gia bày cách giúp các địa phương 'kiếm tiền' từ đô thị
(DNTO) - Thiếu vốn nên các đô thị ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông hay khu dân cư xập xệ... Theo chuyên gia, chính quyền cần huy động, tạo cơ chế cho nguồn lực tư nhân tham gia, vừa là nguồn lực phát triển đô thị, vừa có thể khai thác lợi ích kinh tế từ đô thị.
Việt Nam hiện có tới 883 đô thị, chiếm tỷ lệ hơn 41%, với mức tăng trung bình khoảng 0,53% mỗi năm. Đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế (gần 70% GDP), xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề cũng đã xuất hiện thông qua quá trình đô thị hóa như tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, các khu nhà xập xệ… nảy sinh, đòi hỏi cần phải phát triển đô thị một cách bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022, chiều 16/11, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, tại TP.HCM, công tác quản lý và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Một trong những khó khăn liên quan đến vốn đầu tư. Cụ thể, các dự án sử dụng vốn ngân sách chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách, nên chương trình phát triển đô thị chưa tương xứng với nhu cầu.
“Phần lớn các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở rộng biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, nhưng nhóm này lại chiếm tỷ trọng 62% cơ cấu nguồn vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn vốn ngân sách lại gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung, hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phá khác như: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập và giảm ô nhiễm môi trường có tính cấp bách và theo thứ tự ưu tiên”, ông Kiên nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quang, Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc, cũng cho biết ở các nước có thu nhập cao, các thành phố tài trợ phần lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Doanh thu đô thị đến từ thuế, tài sản công như đất công và các tài sản thuộc sở hữu công cộng khác. Ngược lại, tại nhiều thành phố ở các nước đang phát triển, doanh thu đô thị do địa phương tạo ra hàng năm rất hạn hẹp và đòi hỏi trợ cấp từ chính quyền trung ương, hoặc nguồn vốn vay từ thị trường tài chính nước ngoài hoặc trong nước.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị nhiều cách khác nhau mà các thành phố có thể tăng ngân quỹ, bao gồm các loại thuế về du lịch, thuế bất động sản, thuế đánh vào doanh nghiệp và các khoản phí liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ cụ thể.
Về tài chính, các thành phố cần khai thác là các nguồn lực “nội sinh”, tức tài nguyên nằm trong tầm tay của các thành phố, là tài sản đất đai, năng lực sản xuất và chuyên môn tài chính. Chính quyền địa phương phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động và tăng trưởng đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn.
“Kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy có thể tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường. Tức là nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua, nhằm mục tiêu tái đầu tư vào hạ tầng và tiện ích xã hội. Đây chính là mô hình thiết chế công ty dịch vụ công do nhà nước sở hữu và quản lý, như cách Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc đang thực hiện”, TS Quang nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, các thành phố cần đảm bảo quyền tài sản thông qua đăng ký đất đai và có một hệ thống cho phép cập nhật định kỳ thông tin về tài sản và quyền sở hữu tài sản. Qua các công cụ này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ thuế tài sản và “thuế cải thiện”, đồng thời hướng các nguồn lực đó vào việc cải thiện nhà ở cho người dân và bù đắp thu nhập cho chủ sở hữu thông qua các mô hình tái cấu trúc đất đai. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất để có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn từ khu vực kinh tế.
Để huy động khu vực tư nhân, theo TS. Nguyễn Quang, cũng có vô số cách để các thành phố làm việc với khu vực tư nhân, bao gồm các cơ cấu hợp tác công - tư (PPP) khác nhau. Hơn nữa, tài chính đô thị được cải thiện phải tích hợp với các yếu tố khác của quản trị điều hành và quản lý đô thị thích ứng. Đặc biệt, yếu tố thể chế đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch và quản lý các thành phố.
“Trong quy hoạch đô thị, khung pháp lý yếu ảnh hưởng đến ba thị trường chính là đất đai, nhà ở và tài chính; tất cả các thị trường này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Để có thị trường đất đai phù hợp, các chính quyền địa phương phải có khả năng hỗ trợ việc tiếp cận các bất động sản thương mại và nhà ở với giá cả phải chăng trong khi duy trì mật độ thích hợp và sử dụng đất hỗn hợp”, TS Quang nhấn mạnh.