Bước 'chạy đà' của các thành phố Việt Nam khi tiến vào metaverse
(DNTO) - Hội An, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác đang rục rịch tiến vào metaverse (vũ trụ ảo) với mong muốn tận dụng nền tảng này để phát triển thành phố thông minh.
Nếu nhiều thành phố lớn trên thế giới đang tiên phong xây dựng một đô thị thông minh trên vũ trụ ảo như Seoul metaverse hay Dubai metaverse thì Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cách đây 1 tuần, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest 2022), Làng Metaverse được hình thành, bên cạnh 30 làng công nghệ thuộc Techfest đã có. Làng Metaverse được định hướng trở thành cái nôi thúc đẩy công nghệ Metaverse, vốn được xem là Internet thế hệ mới, sẽ hỗ trợ 800 doanh nghiệp lên vũ trụ ảo.
Trong buổi lễ, Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng Lê Đức Viên cũng bày tỏ tham vọng tận dụng công nghệ mới như metaverse để khởi nghiệp cũng như xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng này.
Trước đó hồi tháng 3, tỉnh Quảng Nam công bố hợp tác với Bizverse để đưa các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống… ở Hội An tiến dần lên vũ trụ ảo của đơn vị này. Với việc số hóa các địa điểm du lịch thành hình ảnh 3D trong không gian 360 độ, với sự tham gia của hướng dẫn viên tạo nên bằng trí tuệ nhân tạo, được kỳ vọng sẽ tăng trải nghiệm khách du lịch khi đến với Hội An.
Nếu như trước đây, việc công ty công nghệ ‘bắt tay’ với các địa phương thường khó đạt hiệu quả như mong muốn, phần nhiều do các địa phương ngại thay đổi thì hiện nay đã khác.
TS Trịnh Công Duy, Founder của Bizverse World, Trưởng Lab Nghiên cứu chuyên sâu về Metaverse và chuyển đổi số MetLab (Đại học Đà Nẵng) cho biết, dù với lĩnh vực khá mới và khó như metaverse nhưng hiện nhiều địa phương đã cởi mở đón nhận và ủng hộ khá tốt. Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam, một số địa phương khác cũng đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này như Bình Dương, Lai Châu.
Dù ứng dụng metaverse trong các thành phố ở Việt Nam mới đang giai đoạn bắt đầu, mở màn trong lĩnh vực du lịch, thế nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có nhiều thành phố thông minh được xây dựng trên nền tảng này. Trên metaverse, các thành phố có thể thiết lập cơ quan chính quyền, các dịch vụ công, với sự tham gia của hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đông đảo người dân.
Việt Nam cũng không sợ đi sau thế giới khi tiếp cận với metaverse, bởi lẽ, ngoài tỉ lệ dân số tiếp cận Internet cao, chúng ta còn nằm trong Top 10 quốc gia sở hữu tài sản số lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, thế giới metaverse còn cần 5-10 năm nữa để hoàn thiện hạ tầng phần cứng, vì vậy, đây là khoảng thời gian đủ dài để startup Việt Nam phát triển phần mềm phục vụ thị trường.
Đưa chính quyền và dịch vụ công lên metaverse là xu thế khó có thể đảo ngược. Và các thành phố Việt Nam cũng đang dần nhận ra rằng, việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư không thể chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có mà còn phải tiên phong trong áp dụng các công nghệ để phục vụ kịp nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Đương nhiên, việc ứng dụng metaverse vào thành phố không hề đơn giản bởi còn tồn tại nhiều rào cản về chi phí đầu tư, thói quen vận hành, khả năng tích hợp công nghệ… Tuy vậy, bước chuyển dịch trong tư duy của bộ máy chính quyền các thành phố là bước đầu tiên quyết định metaverse có được áp dụng hay không, đây cũng được xem là thành công ban đầu.
Nói như ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ), hiện các địa phương tập đoàn lớn đang được khuyến khích để “ra đề bài” cho startup. Bởi startup Việt Nam rất năng động, có nhiều ý tưởng nhưng cần có hệ sinh thái để phát triển. Và hệ sinh thái của các thành phố là mảnh đất màu mỡ để startup tham gia phát triển. Điều quan trọng là thành phố cần có cơ chế, chính sách để mở cửa cho startup.