Mảnh đất ảo triệu USD vẫn có thể mất trắng, vì sao nhiều người vẫn đổ tiền vào?
(DNTO) - Mong muốn trở thành kẻ dẫn đầu đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp chi hàng triệu USD để sở hữu bất động sản ảo trên metaverse (vũ trụ ảo), khiến giá tài sản này tăng tới 500% chỉ trong vài tháng qua.
Giá của sự kì vọng
Hyundai, Gucci, Nike, Walt Disney…, và hàng loạt gã khổng lồ đứng đầu các lĩnh vực đã ghi tên mình vào chiến trường metaverse, đẩy giá bất động sản trong thế giới ảo không ngừng gia tăng, khi các doanh nghiệp đều không muốn bị bỏ lại phía sau.
Năm 2021, đã có 501 triệu USD đổ vào bất động sản ảo trên 4 nền tảng metaverse là Sandbox, Decentraland, Cryptovoxels và Somnium (theo MetaMetric Solution). Doanh số đất ảo dự báo đạt mức 1 tỷ USD trong năm nay khi giá tăng 400-500% chỉ trong vài tháng qua.
Đỉnh điểm là tháng trước, một mảnh đất ảo trên TCG World đã được công ty chuyên về nghiên cứu và phân tích đầu tư Curzio Research mua với giá 5 triệu USD, vượt qua mức kỷ lục 4,3 triệu USD của mảnh đất ảo mà Republic Realm đã mua trước.
Khi kỳ vọng về thị trường bất động sản ảo được dự báo vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kép 31% từ nay đến 2028, theo BrandEssence, thì bất chấp những rủi ro về giá, hàng tỷ USD vẫn tiếp tục đổ vào loại hình này.
Bởi theo ông Ngô Hoàng Đông (Tony Ngo), Founder tại Onebit Ventures, Giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ, đây là một cơ hội để doanh nghiệp có thể có thể đi đầu công nghệ. Giống như cuộc cải cách công nghiệp 3.0 (Social media , Mobile , Cloud ..đã tạo ra những ông lớn có vị thế lớn mạnh thông qua cuộc đua nền công nghiệp 3.0 (Google, Microsoft, Facebook, Apple...)
“Vậy nên các doanh nghiệp lớn luôn có khoản vốn đầu tư cho cơ hội vì chẳng ai muốn bỏ lỡ cơ hội nhất là những “ông lớn”. Và metaverse là một cơ hội tuyệt vời, một đại dương xanh mà các doanh nghiệp các tập đoàn lớn không muốn bỏ lỡ. Cá nhân tôi vẫn đang chờ đợi, đang kỳ vọng sự đột phá từ metaverse trong tương lai”, ông Đông nhấn mạnh.
Khả năng “bốc hơi” tài sản là có
Thế nhưng, một lo ngại dấy lên rằng, nếu các nền tảng metaverse gặp vấn đề, người sở hữu có khả năng mất trắng hay không?
Phân tích về vấn đề này, ông Ngô Hoàng Đông cho hay, metaverse hiện tại đang là một xu thế trong thị trường crypto (tiền mã hóa) và ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên metaverse hiện tại còn gặp rất nhiều vấn đề về thiết bị, người dùng... Cụ thể, giá thiết bị metaverse như kính VR khá đắt đỏ, chưa phù hợp với đại đa số người dùng... Vì vậy, metaverse là xu thế của tương lai, của 3 năm 5 năm tiếp theo, cho đến khi giá thành thiết bị phù hợp hơn hoặc một công nghệ mới hơn dựa trên nền tảng metaverse ra đời.
Về vấn đề sở hữu NFT (viết tắt của Non-fungible token: tài sản không thể thay thế), là đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số blockchain. Nói một cách dễ hiểu, nó là một loại tài sản số hiện diện trên công nghệ chuỗi số (blockchain). Tuy nhiên tài sản số này đang trong giai đoạn thí nghiệm, và bất cứ thứ gì trong giai đoạn thí nghiệm đều mang tính rủi ro. Vậy nên việc người sở hữu NFT hoàn toàn có thể mất trắng tài sản số của mình.
“Đầu tư cho công nghệ mới luôn là mạo hiểm. vậy nên trong giới đầu tư mới sinh ra lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và đầu tư cho fintech chính là đầu tư cho sự rủi ro và mạo hiểm. Khi các bạn mong muốn có lợi cho khoản đầu tư của mình thậm chí là siêu lợi nhuận thì các bạn phải đối mặt với sự thật khốc liệt rằng bạn hoàn toàn có thể mất trắng khoản đầu tư đó”, ông Đông cho hay.
Đồng tình với quan điểm nếu nền tảng metaverse không phát triển, tự đóng cửa thì nhà đầu tư sẽ mất trắng mảnh đất ảo, nhưng TS Trịnh Công Duy, Founder của Bizverse World, Trưởng Lab nghiên cứu chuyên sâu về Metaverse và Chuyển đổi số MetLab (Đại học Đà Nẵng) cũng cho rằng trong trường hợp ngược lại, nếu dự án đó phát triển tốt, các doanh nghiệp có thể xây dựng các công trình ảo, công trình số trên mảnh đất đó để kinh doanh, thì lúc đó mảnh đất mang lại hiệu quả rất lớn. Đó là lý do mảnh đất có giá hàng triệu USD vì mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Trước câu hỏi liệu các các nhà phát triển metaverse có tác động để điều chỉnh giá cả các mảnh đất ảo không, TS Trịnh Công Duy cho rằng cuối cùng quan hệ kinh tế trong metaverse vẫn phải đi theo cơ chế thị trường.
“Phạm vi mảnh đất trên thực tế được kiểm soát bởi chính quyền tại một khu vực ở một quốc gia. Trên thế giới phi tập trung, phạm vi của nó toàn cầu nên nó sẽ tuân theo luật chơi toàn cầu, nên những chính sách không dễ bị tác động bởi phạm vi nhỏ. Hiện nay có những cơ chế do chính người sở hữu ra quyết định. Nên những yếu tố đó nếu làm thực chất sẽ ít bị tác động hơn so với thế giới thực”, TS Trịnh Công Duy nhấn mạnh.