Ngân hàng 'đổ bộ' lên metaverse: Cục diện tài chính toàn cầu có thay đổi?
(DNTO) - Hàng loạt phòng giao dịch của các ngân hàng lớn được xây dựng trên metaverse hứa hẹn góp phần hoàn thiện nền kinh tế trong vũ trụ ảo. Trong đó, một số ngân hàng ở Việt Nam đã bắt kịp làn sóng này.
Vội vã bước chân vào thế giới ảo
Chỉ trong vài tháng đầu năm, ngành tài chính thế giới chứng kiến làn sóng đổ bộ lên metaverse (vũ trụ ảo) của hàng loạt “ông lớn” ngân hàng.
Kẻ tiên phong là JP Morgan. Vào cuối tháng 2 vừa qua, “gã khổng lồ” tài chính Phố Wall đã mở một văn phòng giao dịch trong thế giới ảo dựa trên nền tảng blockchain của Decentraland. Dịch vụ của JP Morgan trên metaverse dựa trên đồng tiền số Ethereum. Khách hàng có thể sử dụng đồng tiền số này để thực hiện các giao dịch trong vũ trụ ảo.
Tiếp đó, ngân hàng lớn nhất nước Anh là HSBC và Standard Chartered cũng tuyên bố hợp tác với The Sandbox và mua mảnh đất trong metaverse này để mở chi nhánh.
“Ông lớn” ngành tài chính Đông Nam Á là DBS đang chi hàng triệu USD để nghiên cứu các dịch vụ tài chính có thể đưa vào vũ trụ ảo.
Tại Việt Nam, mở đầu làn sóng ngân hàng dịch chuyển lên thế giới ảo là Ngân hàng Quốc tế (VIB). Nhà băng lựa chọn metaverse của Bizverse World, cho phép người dùng mở thẻ không giới hạn, với hạn mức đến 200 triệu đồng chỉ trong vòng 15-30 phút.
Nói về xu hướng ngân hàng Việt lên vũ trụ ảo, bà Lê Tuyết Mai, CMO tại Bizverse (đơn vị phát triển metaverse) cho hay, metaverse được hình thành như một thế giới song song với thế giới thực, do vậy mọi ngành nghề đều có thể lên metaverse. Vì vậy, nếu nắm được nguyên lý này thì hoạt động kinh doanh nói chung và ngành tài chính nói riêng trên metaverse sẽ dễ dàng.
“Đối với ngành tài chính, việc quản lý dòng tiền trên metaverse cũng vậy, chỉ khác là đưa công nghệ nhiều hơn vào hoạt động tài chính. Ví dụ như các tài sản số hoặc các đồng tiền có thương hiệu trên đó. Đó là khác biệt khi chúng ta kinh doanh trên metaverse”, bà Mai cho biết.
Sự tham gia của giới tài chính góp phần làm sôi động hơn nền kinh tế metaverse, sau khi hàng loạt nhãn hàng thời trang, bán lẻ toàn cầu như Gucci, Walmart, Nike, Disney, Adidas… đã và đang rầm rộ xây dựng căn cứ trên thế giới ảo.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như MVOT, thời trang Bò Sữa, FAM Central… cũng đã tìm đường lên vũ trụ ảo.
Theo các chuyên gia tài chính, các ngân hàng hoàn toàn có thể hoạt động trong thế giới ảo vì metaverse có dân số, GDP và tiền tệ riêng. Theo dự báo, thị trường metaverse tiếp tục bùng nổ năm nay và ước đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Một trong những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế này là sự tham gia và hoạt động ngày càng tích cực của hệ thống ngân hàng thế giới.
Cuộc đua phục vụ các “nhà đầu tư trực tuyến”
Theo TS Trịnh Công Duy, Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm, Trưởng Lab nghiên cứu chuyên sâu về Metaverse và Chuyển đổi số MetLab (Đại học Đà Nẵng), thực sự bản chất của metaverse là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ: web 3.0, blockchain, 3D… nhưng phía dưới là công nghệ AI, điện toán đám mây, moblie…Vì vậy, metaverse giống như điểm rơi công nghệ, tức nhiều công nghệ chín muồi cùng lúc đã tạo nên metaverse. Dù chỉ mới phát triển cách đây một năm, nhưng ngành tài chính đã thay đổi cùng với sự phát triển của blockchain, khi người ta nói nhiều về tiền số.
“Khi nói về tiền số, những đơn vị ngần ngại đầu tiên chính là ngân hàng, tổ chức tài chính vì gần như thay đổi hoàn toàn cách thức tổ chức tài chính vận hành. Cụ thể, trước đây, toàn bộ thông tin, tiền bạc người dùng được quản lý bởi ngân hàng; thì hiện nay, với blockchain là quản lý phi tập trung.
Hay trước đây, khi một sản phẩm tài chính mới ra đời, các đơn vị phải đào tạo cho toàn bộ nhân viên trên cả hệ thống; thì hiện nay chỉ cần một phòng giao dịch trên metaverse, tất cả người tiêu dùng trên thế giới đều có thể giao dịch, tư vấn, tiết kiệm rất nhiều công sức.
Tuy blockchain đã có từ lâu nhưng nay khi có metaverse, những tổ chức ủng hộ metaverse đầu tiên chính là tổ chức tài chính. Một loạt ngân hàng thế giới của Mỹ, Hàn Quốc đã bắt đầu dùng tài sản số, sử dụng công nghệ blockchain để định danh người dùng, quản lý dòng tiền một cách minh bạch. Tôi nghĩ nó sẽ thay đổi rất nhiều ngành tài chính”, ông Duy cho hay.
Cũng theo TS. Trần Hùng Sơn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, nền kinh tế trong metaverse nói chung và ngành tài chính nói riêng sẽ có sự thay đổi lớn dựa vào thế hệ Millennials và Gen Z, những người sẵn sàng chi các khoản tiền lớn cho các loại tiền số, NFT. Khi đó, tiền mật mã sẽ trở thành một phương thức thanh toán trong metaverse mà không có trung gian tài chính. Loại tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán các tài sản số như đất ảo, các hàng hóa từ bình dân đến xa xỉ trong metaverse.
“Trong nền kinh tế metaverse, thế hệ các nhà đầu tư thế hệ Millennials và Gen Z là các nhà đầu tư trực tuyến, họ quan tâm đến tiền số, tài sản số, blockchain như bitcoin và ethereum, tiền meme, dogecoin, NFT, DeFi, hoặc tài chính phi tập trung, thay vì tập trung cho các phương thức đầu tư truyền thống”, ông Hùng Sơn cho hay.
Khảo sát của CNBC cho thấy, gần 1/2 số triệu phú thuộc thế hệ Millennials nắm giữ ít nhất 25% tài sản của họ dưới hình thức bằng tiền mật mã. Hơn 1/3 nhà đầu tư có một nửa tài sản là tiền mật mã và khoảng 1/2 nhà đầu tư có sở hữu NFT.
Theo CNBC, các công ty tài chính sẽ có cuộc cạnh tranh để phục vụ nhóm khách hàng mới, là những triệu phú trẻ có sự quan tâm và sở hữu nhiều tài sản số, hơn là các tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu...