Mặt tối của Metaverse, thế giới thực tế ảo
(DNTO) - Khi Meta của Mark Zuckerberg và các công ty công nghệ lớn nhất thế giới khác như Microsoft, Google hay Apple… dốc sức tạo ra Metaverse, một thế giới thực tế ảo, các câu hỏi về tác hại của nó cũng đang từ đó mà tăng lên,
Các đại gia công nghệ hoàn cầu đang dồn sức tạo ra metaverse, một thế giới thực tế ảo, nơi mọi người có thể để avatar của họ làm mọi thứ, từ chơi trò điện tử, tham gia các cuộc họp đến luyện tập thể dục.
Mark Zuckerberg, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Facebook, là “tay chơi” lớn tin tưởng nhất vào metaverse đến nỗi hứa đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực này, thậm chí đổi cả tên công ty thành Meta.
Tuy vậy, không phải do sự có mặt và đặt cửa tháu cáy của những gã khổng lồ công nghệ mà người ta dễ tin ngay vào sự an toàn của trào lưu mới. Tất nhiên, lời cảnh báo đầu tiên luôn đến từ các nhà nghiên cứu, những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Theo họ, quấy rối tình dục, hành hung, bắt nạt và những lời hằn học đã và đang tràn lan trong các trò chơi thực tế ảo, vốn là một phần của Metaverse. Càng nguy hiểm hơn khi xem ra sẽ có rất ít cơ chế chính sách hứa hẹn được thực hiện để báo cáo những hành vi sai trái ấy một cách dễ dàng.
Theo phân tích của Center for Countering Digital Hate (Trung tâm chống lại sự căm thù), do một tổ chức phi lợi nhuận điều hành, trong một trò chơi thực tế ảo phổ biến – VRChat chẳng hạn, cứ 7 phút lại có một sự cố vi phạm xảy ra.
Hành vi xấu trong Metaverse có thể nghiêm trọng hơn hành vi quấy rối hay bắt nạt trực tuyến ngày nay. Đó là bởi thực tế ảo đưa mọi người vào một môi trường kỹ thuật số toàn diện, nơi rất dễ thực hiện những đụng chạm quấy rối không mong muốn, những vẫn để lại hậu quả mang cảm xúc như thật mà giác quan có thể trải nghiệm.
Hành vi độc hại khi chơi game và trong thực tế ảo không phải là mới. Nhưng khi Meta và các công ty khổng lồ khác biến nền tảng tương lai này thành từng vũ khí riêng, các vấn đề có khả năng sẽ được phóng đại bởi phạm vi đối tượng tiếp cận của đội ngũ các đại gia Big Tech hiện đã lên đến hàng tỷ người.
Chưa hết, thế lực công nghệ này đang khuyến khích câu dụ mọi người tham gia Metaverse bằng các chiêu giảm giá sản phẩm nhân các dịp lễ, hội trong năm, điển hình là động thái của công ty sản xuất tai nghe Oculus Quest thuộc Meta trong thời gian gần đây.
Cho dù Zuckerberg, nhân vật dường như đã nhận thức được các vấn đề tác hại từ mặt tối metaverse, đã hứa sẽ lưu ý đến quyền riêng tư và an toàn khi xây dựng nền tảng, ngay cả một vài cộng sự của Mark cũng đang bán tín bán nghi về khả năng ngăn chặn thực sự được hành vi độc hại vừa kể.
Lý do là, theo họ, các hành vi sai trái trong thực tế ảo thường khó theo dõi vì các sự cố xảy ra trong thời gian thực và thường không được ghi lại. Thế nên đến tận nay, một mặt phát triển sâu về kỹ thuật, một mặt Meta vẫn phải nỗ lực đổ tiền, gần 50 triệu đô la, để làm việc với các nhà hoạch định chính sách, những chuyên gia và nhiều đối tác trong ngành để phát triển sản phẩm metaverse có trách nhiệm.
Trẻ em đang là mối lo đặc biệt trong thế giới metaverse. Công nghệ mới dường như đã tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho những người dùng lạm dụng, đồng thời chiêu dụ trẻ vị thành niên tham gia vào metaverse ngày càng nhiều. Bởi qua vài thể dạng trò chơi ảo như VRChat, những kẻ xấu có thể nhắm vào chúng thông qua tin nhắn trò chuyện trong game hoặc bằng cách tương tác với trẻ qua tai nghe Oculus Quest. Đó là lý do để xuất hiện những công ty như Bark, sử dụng trí thông minh nhân tạo để giám sát thiết bị của trẻ em vì lý do an toàn.
Khi các Big Tech đều thi nhau tìm cách phát triển mạnh hướng đi của mình với nền tảng metaverse, thật chẳng dễ để Meta đạt tiêu chuẩn cộng đồng vốn đang được các nhà mô phạm kêu gọi. Đó là không cho phép nội dung tấn công mọi người dựa trên chủng tộc, sắc dân, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, đẳng cấp, giới tính, bệnh tật hoặc khiếm khuyết thể lý lẫn tinh thần.