Trí thông minh nhân tạo với viễn cảnh 'tái sinh' người đã chết
(DNTO) - Giới nghiên cứu và các đầu óc kinh doanh đang cố gắng thực hiện một chuyện nghe như viễn tưởng, là bắt tay tìm cách khai thác trí thông minh nhân tạo AI để kỳ vọng tạo ra các phiên bản của những người đã khuất.
Dù là quá khứ hay tương lai, những câu chuyện không thuộc hiện tại luôn có sức cuốn hút con người. Trong kho tàng điện ảnh khoa học viễn tưởng, mảng đề tài ngược dòng thời gian chiếm không ít đầu phim. Ở đấy, những con người đã khuất tái xuất, không phải là hồn ma như trong các tác phẩm kinh dị, mà là những thực thể rất đặc biệt, dù chưa chắc đã hoàn toàn bằng da bằng thịt. Rồi khi khoa học bước vào thời đại 4.0, tham vọng 'tái sinh' người đã chết theo hình thức này đang được trí thông minh nhân tạo AI hỗ trợ tiếp sức để kỳ tích ấy trở thành hiện thực.
Hãy thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó người dân Mỹ thấy trên TV vị Tổng thống tiên khởi Hoa Kỳ Abraham Lincoln 'xuất hiện' phát biểu trước Quốc hội về cuộc chiến với Covid-19? Hay chứng kiến nhà tỷ phú huyền thoại John Davison Rockefeller Sr. 'tái thế' giúp cháu chắt điều hành công việc kinh doanh gia đình?
Các nhà nghiên cứu khoa học và doanh nhân đang bắt đầu suy nghĩ về khả năng trí thông minh nhân tạo giúp tạo ra các phiên bản của những người đã qua đời. Sản phẩm tái sinh ấy không chỉ là bản sao tĩnh, giúp thỏa mãn cảm xúc và lợi ích của những người thân yêu, mà còn là các thực thể kỹ thuật số động, được phát triển để có thể chỉ đạo công ty, hoặc tạo ảnh hưởng trên cả các sự kiện thế giới.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã dự đoán nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhân vật kỹ thuật số dạng này, bao gồm Replika, một ứng dụng học cách tái tạo một người dưới dạng chatbot, và chương trình HereAfter AI, một công cụ lưu trữ những câu chuyện về cuộc sống của ai đó và sử dụng kho dữ liệu này để tạo ra một bản sao người tích hợp vào loa thông minh.
Ngay cả những đại gia công nghệ thế giới dường như cũng đã để mắt và thừa nhận tiềm năng này. Gần đây, dù vẫn chưa đưa ra dùng nhưng Microsoft Corp đã được cấp bằng sáng chế cho phương pháp ứng dụng chatbot để bảo tồn cả nhân vật lịch sử lẫn người sống. Các ‘con người' kỹ thuật số AI có nhiều dạng, từ chatbot - chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tương tác với người, đến robot hoạt hình hay các thủ thuật phản chiếu chuyển động, cử chỉ và giọng nói như thật.
Hiện tại, những hình chiếu tựa loại ảnh ba chiều thể hiện hình ảnh của các nghệ sĩ âm nhạc đã chết, bao gồm Roy Orbison và Tupac Shakur, cũng đã từng được trình diễn trên sân khấu. Hai trong số các nhà phát minh bằng sáng chế vừa kể của Microsoft, Dustin Abramson và Joseph Johnson, đã sử dụng kho dữ liệu từ mạng xã hội, các bản ghi âm giọng nói cũng như những bài viết để tạo ra một chatbot biết trò chuyện và tương tác theo tính cách của một người cụ thể nào đó từng có thực.
Theo mô tả trong nội dung diễn giải có trong bằng sáng chế, “chatbot người” có thể tương ứng với một thực thể trong quá khứ hoặc hiện tại. Kẻ được tái sinh có thể bắt chước giọng nói và giao tiếp nhờ sử dụng hình ảnh hai hoặc ba chiều để tạo ra trải nghiệm trò chuyện giống như con người thực tế. Những nhân vật kỹ thuật số này còn có thể học hỏi và phát triển cũng như thích ứng với các sự kiện mới xảy ra.
Điều đó sẽ tạo ra người bất tử kỹ thuật số tồn tại ở dạng ảo. Họ tiếp tục tương tác được với gia đình, bạn bè và con cháu rất lâu sau khi họ đã qua đời, đồng thời cũng cung cấp cho thế hệ sau nhiều thông tin về nghiên cứu lịch sử và gia phả.
David Burden, CEO của Daden Ltd, một công ty có trụ sở tại Anh chuyên chế tạo chatbot, cho biết những 'tạo vật tái sinh' này có thể được sử dụng trên tàu khám phá vũ trụ, thực hiện những phi vụ mạo hiểm phiêu lưu kỳ vĩ hơn bất kỳ người bình thường nào có thể làm trong đời.
"Nhờ chúng, người sống cũng có thể phân thân, nghĩa là sử dụng bản sao kỹ thuật số của chính mình để gửi email, trò chuyện với đồng nghiệp nhằm hoàn thành nhiều công việc hơn, hoặc tiếp quản nhiệm vụ tốt khi chính họ đang đi nghỉ", Burden nói.
Tuy nhiên, cũng như với nhiều tầm nhìn khoa học viễn tưởng về tương lai, vẫn có những mặt trái. Đối với người sống hiện tại, nhân vật ảo vốn dĩ khó hoàn hảo vì chúng thường được tái sinh dựa trên các nội dung phát biểu, bài viết, bài đăng trên mạng xã hội và từ nhiều nguồn khác, nên chưa chắc đã nhất thiết nắm bắt được bản chất của một người đã khuất. Như thế nhân vật kỹ thuật số được xây dựng thông qua AI bị xem là không có ý thức.
Chưa hết, vấn đề còn phải vật lộn ở mặt xã hội với những câu hỏi về việc ai sẽ sở hữu quyền đại diện của một người đã chết và nắm giữ các khoản thu nhập mà nhân vật ảo này tạo ra. Theo lý, không phải cứ có đủ dữ liệu tồn tại trong cộng đồng đi kèm với mô hình AI là khoa học muốn cho ai sống lại thì cho!
Các nhân vật lịch sử rất dễ rơi vào những trường hợp vừa đề cập. Mặc dù một bản sao của những người nổi tiếng hoặc các chính khách có tiền sử nhân thân tốt có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với các sự kiện xã hội trong tương lai, đôi khi giúp “họ” có thể định hình được cả thế giới từ bên ngoài nấm mồ. Nhưng còn những nhà độc tài, bạo chúa, các “ác ma” diệt chủng thì sao?!