Hoa Kỳ làm gì trước sự thống trị ngành sản xuất chip điện tử của châu Á?
(DNTO) - Sự thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu và tình trạng căng thẳng với một vài quốc gia châu Á đã thúc đẩy nước Mỹ có động thái giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, cố tạo động lực để giành lại vị trí bá chủ.
Hoa Kỳ dù được mệnh danh là dẫn đầu công nghệ tiên tiến, nhưng hiện những tập đoàn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Ltd, (TSMC) của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc lại kiểm soát hơn 70% thị trường sản xuất chip bán dẫn.
Cơn khát các tấm bo mạch điện tử toàn cầu và những căng thẳng kinh tế với Trung Quốc đã khiến Mỹ bắt đầu có những động thái giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nguyên liệu bán dẫn - vốn tập trung vào tay một số ít công ty phương Tây, hầu tạo động lực chiếm lại vị trí độc tôn.
Giữa lúc chất bán dẫn trở nên rất quan trọng đối với mọi thứ, từ ô tô đến điện thoại thông minh, chính quyền tổng thống Joe Biden đang tìm cách đưa hoạt động sản xuất chip trở lại đất Mỹ, cũng như tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vài nhà sản xuất thị trường công nghệ này đến từ châu Á. Mỹ từng là nước dẫn đầu, nay đang tụt hậu trong lĩnh vực vừa kể sau những thay đổi lớn về mô hình kinh doanh ngành bán dẫn.
Nhờ chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh đặc biệt trong mảng bán dẫn mà châu Á đã thống trị ngành sản xuất chip bao lâu nay. Đó cũng là mục tiêu cạnh tranh mà Mỹ đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa của mình bám sát. Trong khi tại Mỹ, Intel là nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM), tức tự thiết kế và sản xuất chip riêng trọn gói, thì những công ty bán dẫn nổi tiếng châu Á, tuy cũng thiết kế chip nhưng lại thuê gia công sản xuất bên ngoài.
TSMC ở Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc là hai ông lớn đã tận dụng lợi thế đi trước khi bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất tiên tiến thực hiện theo mô hình này. 15 năm sau, các công ty khác mới bắt đầu tiếp bước theo sau.
Giờ đây, nếu một tên tuổi như Apple đi nữa, muốn có chip mới nhất cho iPhone của mình, cũng phải nhờ đến TSMC. Theo dữ liệu từ Trendforce, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm đến 81% thị trường toàn cầu về đúc chip, cho thấy sự thống trị và phụ thuộc của thế giới về chất bán dẫn vào hai khu vực này.
Năm 2001, trong ngành sản xuất chip điện tử, ở vị trí dẫn đầu có đến 30 công ty. Tuy nhiên do chi phí tăng cao cộng những khó khăn, nhiều doanh nghiệp hụt hơi nên con số cuối cùng đã giảm xuống chỉ còn 3, đó là TSMC, Intel và Samsung.
Dẫu vậy, quy trình sản xuất của Intel vẫn đi sau TSMC và Samsung. Dù vẫn phụ thuộc nhiều vào thiết bị và máy móc mảng bán dẫn nhập từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhưng Đài Loan và Hàn Quốc lại trở thành những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo tấm wafer đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Rồi một phần thành công của họ trong 20 năm qua còn là nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và khả năng tiếp cận lực lượng lao động có tay nghề cao.
Để duy trì đối trọng và lật ngược cán cân, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang tìm cách giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng. Vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký một lệnh điều hành liên quan đến việc xem xét chuỗi cung ứng chất bán dẫn từ vài nước châu Âu như Hà Lan cho các quốc gia châu Á để xác định rủi ro.
Là một phần của gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD, 50 tỷ USD được đặc cách dành riêng cho mảng này. Một dự luật có tên gọi là CHIPS cũng ra đời, hà hơi tiếp sức về pháp lý nhằm mục đích cung cấp các động lực để cho phép nghiên cứu, và phát triển tiên tiến cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng có lợi cho đất nước.
Trong khi đó, công ty Intel của Mỹ vào tháng trước đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới. Chúng sẽ hoạt động tương tự như mô hình đúc chip của TSMC và Samsung, một giải pháp thay thế trong nước cho hai tên tuổi châu Á.
Đại dịch Covid-19 một mặt thúc đẩy nhu cầu về thiết bị điện tử cá nhân như máy tính xách tay và máy chơi game, mặt khác lại khiến các nhà sản xuất ô tô và công nghiệp giảm sản lượng vì thiếu khách hàng tiêu thụ.
Với tiến trình tiêm vaccine toàn cầu hiện nay, kinh tế dần phục hồi đi kèm với nhu cầu về chip tăng cao trong nhiều lĩnh vực đã gây ra tình trạng thiếu hụt. Chip được tập trung sản xuất trong tay hai đại gia độc quyền TSMC và Samsung càng khiến vấn đề tồi tệ hơn đối với chính quyền Hoa Kỳ. Bởi họ nhận ra mình không kiểm soát được vận mệnh công nghệ của đất nước, đó mới chính là nỗi đau.