Cái giá những nhà sáng tạo trẻ phải trả khi hưởng hào quang nổi tiếng nhờ mạng xã hội
(DNTO) - Những đầu óc sáng tạo thế hệ Z đang chịu nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần khi được nổi tiếng trên Tik Tok, YouTube... Chúng đến từ các mối bận tâm liên quan đến nỗ lực xây dựng, quản lý và kiếm tiền bởi khối người dùng theo dõi họ trực tuyến.
“Bùng nổ” và “Suy sụp”, đó là hai trạng thái mà các chuyên gia tâm lý dùng để miêu tả những nhân vật trẻ nổi tiếng nhờ mạng xã hội.
“Bùng nổ” là bởi họ có thể vụt nổi tiếng chỉ trong một sáng một chiều.
Còn “suy sụp” vì họ phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần khi quay cuồng tìm mọi cách để duy trì và đẩy cao thanh thế ấy.
Một ngôi sao TikTok tuổi đôi mươi người Toronto than vãn sau một năm vụt sáng rằng, anh cảm giác mình như đang là chiếc thùng rỗng. Công sức phải dành hàng giờ quay phim, chỉnh sửa, phân tích kịch bản, tương tác với người hâm mộ, thiết lập các giao dịch thương hiệu và cân bằng nhiều trách nhiệm khác để có được cái danh “người sáng tạo nội dung thành công” khiến anh phải trả giá.
Rất nhiều người trẻ thế hệ Z đã kiệt sức về tâm thần và căng thẳng trong cuộc sống xã hội theo kiểu tương tự. Thời Covid-19, cuộc sống trực tuyến không di chuyển ra ngoài và không được đi làm đã lên ngôi.
Theo một báo cáo gần đây của Công ty Liên doanh SignalFire, đại dịch đến đã cho ra đời hơn 50 triệu cái tên cả nam lẫn nữ tự coi mình là người sáng tạo, những influencer. Rồi ngành công nghiệp tiếp thị tiếng tăm nhờ mạng xã hội nay cũng được xem là phân khúc doanh nghiệp nhỏ phát triển nhanh nhất.
Trong suốt năm 2020, mạng xã hội đã tạo ra một thế hệ ngôi sao trẻ mới, để giờ đây, chỉ sau một thời gian ngắn, mức đột phá của họ đã bị chặn lại vì bấn loạn tâm thần, mất hẳn niềm đam mê sáng tạo nội dung. Không ít tên tuổi sở hữu hàng triệu người theo dõi đã phải tuyên bố rút lui khỏi các nền tảng như Tik Tok, YouTube, Instagram... vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung cũng xoay quanh đa chấn sụp đổ tâm trạng khi thị trường đã bão hòa.
Một trong các chỉ trích dẫn đến nguyên nhân tạo ra cơn sóng “đào thoát” khỏi mạng xã hội của các nhà sáng tạo nội dung thế hệ Z là đổ lỗi cho thuật toán của YouTube. Họ cho rằng nền tảng này vốn ưu tiên các video dài hơn, đòi hỏi những người đăng phải upload gần như hàng ngày, một tốc độ được cho là quá tải, khó thể đáp ứng kịp với các YouTuber. Còn khi không theo nổi, làm chậm, họ sẽ bị bỏ lại phía sau với nguy cơ biến mất tên tuổi.
Tik Tok cũng đòi hỏi cao chẳng kém YouTube khi yêu cầu mỗi tài khoản VIP phải thu hút cho được hàng triệu người theo dõi chỉ trong vòng vài tuần. Ai càng rướn để đạt chỉ tiêu càng chóng sa sút, mất sức.
Những nhân vật tiếng tăm của các nền tảng mạng đều như đang cố gắng giành giải thưởng mà chẳng biết chiếc cúp là gì bởi thế giới ảo có quá nhiều biến động và diễn biến chớp nhoáng.
Chỉ cần thu nhập sụt giảm bất ngờ vì lượt xem rớt thẳng đứng cũng đủ khiến họ choáng váng chứ đừng nói đến những mệt mỏi, đau đầu từ bắt nạt, quấy rối và phân biệt đối xử. Bị đánh cắp nội dung, comment độc địa từ các fan cũng như từ các nhà bình phẩm online cũng là những cái gai châm chích không dễ chịu chút nào.
Các nhà tâm lý đang lo lắng cho tuổi thọ của những TikToker hay YouTuber thời đại dịch. Oái oăm là không ai được hưởng lợi từ sự bùng nổ tên tuổi của người sáng tạo hơn ngành công nghệ mạng xã hội. Giới đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon hiện đang đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp tập trung vào người sáng tạo, và bản thân các nền tảng cũng bắt đầu cạnh tranh để tìm kiếm nhân tài.
Thế nhưng, những đầu óc tinh hoa này hoạt động mà không được bảo vệ lợi ích và lương thưởng việc làm theo kiểu truyền thống. Rất hiếm những ông chủ đầu tư vào ngành này lên tiếng kêu gọi cần có các con đường kiếm tiền bền vững hơn cho những người sáng tạo ở mọi quy mô, nên nhân tài bị bỏ mặc, tự chống đỡ hoặc đối phó rủi ro trong các thỏa thuận ngầm chứa nhiều ý đồ bóc lột chất xám.
Trước một mạng xã hội như được xây dựng để đốt cháy mọi người, nhiều hảo thủ sáng tạo TikTok đã tìm cách đối phó với chứng trầm cảm. Họ thực hành liệu pháp và tự huấn luyện cuộc sống, cố gắng cởi mở hơn với người hâm mộ và bạn bè khi trải lòng về con đường đấu tranh của mình.
Tatayanna Mitchell, 22 tuổi, một người sáng tạo trên YouTube và Tik Tok ở Los Angeles đã chọn cách nói chuyện với những người xung quanh khi chán nản, đăng các câu chuyện tự sự và post những câu trích dẫn mang tính tích cực, lạc quan.
Nhóm đấu tranh về sức khỏe tâm thần này đang khá hồ hởi khi gần đây đại diện Tik Tok đã tuyên bố sẽ quan tâm sâu sắc đến sức khỏe và coi trọng mối quan tâm về tâm trạng của người sáng tạo.
Nền tảng mạng xã hội này hứa tập trung nhiều vào việc hiểu các mục tiêu và trải nghiệm nội dung cá nhân của tác giả, đồng thời cố gắng làm việc để cung cấp tài nguyên, hỗ trợ và mở ra cánh cửa phản hồi để giảm bớt áp lực cho các TikToker sáng giá họ đang sở hữu.