Mạng xã hội dùng không khéo sẽ hại người hại ta
(DNTO) - Nhân vụ án của Bệnh viện FV kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu vừa được khép lại, nghĩ về cách sử dụng mạng xã hội sao cho đừng hại người hại ta
Như vậy sau 3 năm, bản án cuối cùng đối với vụ án Bệnh viện FV kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu đã được Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên y án sơ thẩm trong phiên xử phúc thẩm ngày 4/5 vừa qua. Vụ kiện khép lại, phần thắng nghiêng về Bệnh viện FV.
Ba năm cho một vụ án “Đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội và kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền”, gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông có sức ảnh hưởng lớn đến một doanh nghiệp (Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam - Bệnh viện FV), làm tổn hại đến uy tín của Bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ.
Ba năm hao tốn không bao nhiêu công của, thời gian của người trong cuộc lẫn của các cơ quan chức năng. Án được tuyên, buộc bà Châu xóa bỏ toàn bộ các bài viết “Khi bạn có thai nhưng bệnh viện nói không và cho bạn uống thuốc phá thai để đẩy dịch ứ” vào ngày 23/6/2018, trên Facebook của bà Châu, kể cả các bài đăng bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh sau đó. Buộc bà Châu phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV trên các báo. Đồng thời bồi thường 13.900.000 đồng cho Bệnh viện FV để bù đắp tổn thất tinh thần.
Bản án nói trên một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp. Đồng thời là một bài học cho tất cả chúng ta - những người không thể sống thiếu mạng xã mỗi ngày. Bài học về cách ứng xử thông thái, văn minh và cũng là để tự bảo vệ mình khi “chơi” mạng xã hội.
Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến các trang mạng xã hội đã trở thành một kênh trao đổi thông tin, kết nối quan hệ và chia sẻ cảm xúc phổ biến của mọi người. Nó tạo nền tảng quan trọng cho truyền thông xã hội phát triển, nó làm cho cuộc sống thêm phong phú, con người dễ dàng tiếp cận với mọi thông tin. Ở đó, ngoài những chia sẻ thông thường về đời sống, tâm tư, tình cảm với gia đình, bạn bè thì mỗi người đều có thể là một người đưa tin, một nhà bình luận như một “nhà báo” với các sự kiện xảy ra trong xã hội và đời sống.
Nhưng làm thế nào để mạng xã hội không trở thành một môi trường tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là trách nhiệm là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người khi dùng mạng xã hội mà không ít người còn hời hợt, ít quan tâm.
Nhiều người ví trang Facebook của mình như là “nhà”, ở đó mình nói gì, làm gì là quyền tự do cá nhân. Điều này vừa đúng vừa sai.
Đúng đây là trang cá nhân, nó thuộc quyền sỡ hữu của mỗi người, úp cái gì lên là thuộc quyền của họ. Dạo Facebook, chúng dễ dàng bắt gặp những thông tin: Sáng ăn cơm với món gì. Trưa chiều ăn món gì. Hôm nay tắm ở khúc sông nào… Hoặc hình ảnh cái toa và một vóc thuốc, hình cái chân bầm, cái tay sưng… Cùng với những lời than vãn, kể nghèo, kể khổ… để bạn bè, người thân có thể hiểu rõ ngọn ngành sinh hoạt hằng ngày của họ.
Không cần biết những thông tin đó có thật mấy mươi phần trăm, không cần biết những năng lượng tiêu cực phát ra mỗi ngày của họ khiến không ít người xem cảm thấy rất mệt mỏi. Tuy nhiên, họ không sai và không hề vi phạm điều luật nào.
Nhưng khi những thông tin mà chúng ta đưa lên hoặc chia sẻ lại của người khác “Sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự nhân phẩm cá nhân” (Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ) thì chắc chắn là sai.
Khi đó không những bạn bị cộng đồng mạng lên án mà có khi còn bị các cơ quan chức năng nhắc nhở hoặc dùng hình phạt. Điển hình là vụ án của Bệnh viện FV kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu nói ở trên.
Tương tự, cách đây không lâu trong một livestream, bà Nguyễn Phương Hằng đã phát đi một thông tin sai sự thật, đã bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng.
Trước đó nữa, những tin đồn thất thiệt như “Bọn bắt cóc đã có mặt tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc”, án mạng chặt đầu tại Royal City hay máy bay rơi ở Nội Bài được đăng tải trên Facebook không những gây hoang mang dư luận mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng được cho rằng vi phạm pháp luật.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp đưa tin sai sự thật ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của chính phủ và nhân dân. Sau khi bị triệu tập lên trụ sở Công an để làm việc, các đối tượng đều đã thừa nhận sai phạm, tự giác gỡ bỏ thông tin, đồng thời cam kết không tái phạm.
Tóm lại, trên trang mạng xã hội, tuyệt đối không đưa tin sai sự thật. Khi chia sẻ thông tin của người khác cần bình tĩnh, sáng suốt, kiểm chứng nguồn tin, nhận diện rõ các thông tin giả (fake news). Cần thiết nên trang bị cho mình kiến thức về pháp luật, những quy tắc ứng xử cộng đồng. Có như thế mới không hại người hại ta.