Công nghệ kỹ thuật số định hình lại hoạt động siêu thị thời đại dịch
(DNTO) - Công nghệ đang thay đổi cuộc sống của mỗi người ngay tại một trong những nơi bình thường và quen thuộc nhất hàng ngày: Siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Nay sự tác động của kỹ thuật số càng đậm nét trong thời dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Đại dịch đang thay đổi phong cách mua sắm hàng siêu thị, cụ thể là phong cách ấy dường như đã khiến các cửa hàng tạp hóa trông giống như những kho hàng của Amazon. Sự thay đổi đã bắt đầu từ nhỏ đến lớn khi người tiêu dùng bỏ qua siêu thị để đặt hàng trực tuyến và nhận hàng giao tại nhà.
Theo EY Future Consumer Index (Chỉ số tiêu dùng tương lai) tháng 5/2020, đến 89% người tiêu dùng được khảo sát đang và sẽ thay đổi cách thức mua sắm, 76% đang và sẽ thay đổi cách lựa chọn sản phẩm và dịch vụ, và tới một nửa (50%) có lẽ sẽ chỉ chi tiêu cho một số mặt hàng cần thiết. Còn với dữ liệu thống kê, trong mùa dịch Covid-19, chỉ còn khoảng 10% người tiêu dùng trực tiếp mua hàng tại cửa tiệm tạp hóa, siêu thị.
Các cửa hàng tạp hóa thường không có nhiều dư địa về tài chính,ví dụ có bán được 100 USD hàng hóa thì chỉ lời khoảng 5 USD. Thực tế này buộc tất cả doanh nghiệp thương mại quy mô nhỏ phải hành động để thích ứng, tồn tại và tăng trưởng. Hòng cứu vãn tình hình, nhiều shop chọn phương án dựa vào đa dạng nền tảng kỹ thuật số thời công nghệ 4.0 để đối phó.
Tất nhiên các tiệm nhỏ không thể chi theo kiểu những gì mà Walmart hoặc Amazon bỏ ra đầu tư vào thế hệ công nghệ mới. Tuy vậy nhóm doanh nghiệp khiêm tốn cũng có những tùy chọn kỹ thuật thích hợp có giá cả phải chăng nhưng không kém phần hiệu quả. Chẳng hạn một số ứng dụng với tính năng mới được cập nhật trong hệ điều hành dành cho iPhone và điện thoại Android sẽ giúp nhân viên bán hàng hoàn thiện quy trình chọn và đóng gói đơn hàng trực tuyến.
Một số bao bì thực phẩm cũng được thay đổi để nhân viên không mất thời gian phân loại hàng. Điều đó đã phảng phất hình ảnh một nhà kho của Amazon hoặc một trung tâm phân phối thương mại điện tử với dây chuyền lắp ráp đặt hàng trực tuyến. Gần đây, chuỗi siêu thị Kroger đã gây chú ý thị trường mùa dịch khi đầu tư xây dựng các nhà kho tự động lớn và sử dụng robot thực hiện phần lớn công việc tập hợp các đơn hàng. Một số công ty khác lại thử nghiệm mẫu nhà kho mini nối kết với các cửa hàng được thiết kế chỉ để tập hợp các vận đơn online.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích bán hàng đồng thời tận dụng nhiều kênh giao hàng cũng như thúc đẩy việc tích hợp đa phương tiện trong thương mại điện tử. Công nghệ không chạm không tiếp xúc và thanh toán linh hoạt không dùng tiền mặt đã và đang trở thành xu hướng và là một phần quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại.
Đặc biệt, những bứt phá trong một số ngành nghề kỹ thuật số như dịch vụ điện toán đám mây (eLearning), thương mại điện tử và công nghệ phục vụ tiêu dùng (consumer tech), dịch vụ hậu cần trực tuyến (online logistics), hoặc giao nhận đầu cuối (last-mile delivery)... cũng góp tay đắc lực trong việc định hình lại hoạt động siêu thị thời đại dịch, cho cả người mua lẫn kẻ bán.