Gen Z phát hiện 9 lỗ hổng bảo mật của Oracle: Làm nghiên cứu sẽ có chấn thương về tâm lý
(DNTO) - Lê Mỹ Quỳnh, cô gái Gen Z nổi tiếng với “bộ sưu tập lỗ hổng” cũng từng hoài nghi về chính mình khi theo đuổi ngành bảo mật thông tin.
Lê Mỹ Quỳnh sinh năm 1998, hiện là chuyên gia nghiên cứu bảo mật tại Singapore. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Quỳnh đã thể hiện sự hiếu kỳ với máy tính. Để thỏa mãn hứng thú tìm hiểu về bảo mật và an toàn thông tin, Quỳnh nộp hồ sơ vào Học viện Kỹ thuật Mật mã.
Quỳnh bắt đầu nổi tiếng khi liên tiếp phát hiện ra 9 lỗ hổng bảo mật của Tập đoàn công nghiệ Mỹ Oracle, chỉ trong 2 năm (2019-2021). Trong tọa đàm “Dám khác biệt – Câu chuyện từ những người phụ nữ đi theo tiếng gọi đam mê” hôm 27/5, Quỳnh chia sẻ hành trình chinh phục lỗ hổng của mình.
Năm thứ 3 đại học, Quỳnh bắt đầu có công việc thực tập đầu tiên tại một công ty công nghệ. Lúc này, cô gái vẫn chưa hình dung ra công việc của mình như thế nào. Quỳnh được giao công việc đầu tiên là nghiên cứu các lỗ hổng bảo mật, công việc chỉ có cô và một nhân sự nam khác trong công ty phụ trách. Nhiệm vụ của Quỳnh là tìm ra những lỗ hổng mới, chưa tồn tại trên thị trường an toàn thông tin để làm sao các sản phẩm vá lỗ hổng một cách nhanh nhất, không ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng.
Với một thực tập sinh, được giao một trọng trách lớn như vậy, Quỳnh cảm thấy rất áp lực. Cô gái vừa phải sắp xếp lịch học trên trường, vừa sắp xếp việc làm. Sang năm thứ 4, việc học và công việc thực tập nhiều lên, Quỳnh phải chuyển sang làm toàn thời gian tại công ty và chuyển lịch học vào buổi tối.
“Một ngày bắt đầu lúc 8g sáng và kết thúc lúc 5g chiều. 6g tối bắt đầu lên lớp học và đến 10g đêm mới bắt đầu ăn tối. Hôm nào có sức mình mới làm thêm và học thêm, không thì ngủ luôn”, Quỳnh kể.
Thời gian học tập và làm việc dày đặc không khiến cô gái nhỏ mệt mỏi bằng kết quả làm việc không như ý muốn. Làm thực tập 1 năm, Quỳnh vẫn chưa có kết quả cụ thể. Cô bắt đầu hoài nghi chính mình.
“Công việc nghiên cứu sẽ rất dài, không thể có kết quả 1-2 ngày thậm chí 1-2 tháng làm việc. Một dự án có thể kéo dài 1-2 năm. Khác với các chấn thương vật lý, những người làm nghiên cứu sẽ có chấn thương làm tâm lý. Nếu tâm lý không đủ vững, sau 5-6 tháng, kết quả chưa thấy rõ mặc dù tiến trình đang đi lên, thì rất dễ khiến bạn nghi ngờ bản thân. Liệu mình đã đủ tốt chưa và mình có thực sự làm được không”.
Đến năm 4 đại học, sau một quá trình khá dài, Quỳnh mới bắt đầu tìm ra lỗ hổng đầu tiên trong cuộc đời. Ngoài sự vui sướng về kết quả làm việc, còn là phần thưởng vật chất khá cao với một cô sinh viên: 1.500 USD/lỗ hổng. “Lúc đó tâm lý của mình mới bắt đầu dịu xuống và mình nghĩ rằng cứ cố gắng sẽ làm được”.
Sau lỗ hổng đầu tiên, Quỳnh nổi rần rần trên các mặt báo, được nhiều người biết đến và tán dương. Đây cũng là động lực để Quỳnh tìm thêm được 8 lỗ hổng tiếp theo chỉ trong thời gian thực tập sinh năm thứ 4, thứ 5 đại học.
Nhưng quá trình tìm lỗ hổng rất khó khăn. Quỳnh kể có những hôm phải ngồi đến 2g sáng vì có những vấn đề cứ nghĩ mãi không thể nào thoát ra được vì không hiểu. Cô đành đi ngủ nhưng 4-5g sáng lại tỉnh dậy vì trong đầu vẫn chưa thoải mái vì vẫn chưa tìm ra giải pháp. Vừa học, vừa làm đồng nghĩa với việc cô gái Gen Z phải đánh đổi tuổi thanh xuân và thời gian đi chơi cùng bạn bè.
“Hồi đó không còn thời gian và cũng không còn tâm trí đi chơi nhiều như các bạn đồng trang lứa. Coi như 5 năm đại học chỉ học, nghiên cứu, đi làm. Thứ 7, Chủ nhật cũng làm, ngày lễ đi chơi chút ít. Lỗ hổng thứ 2 tôi tìm ra vào mùng 1 Tết năm 2020. Khi chuẩn bị giao thừa, vẫn ngồi trên máy tính, làm code và tìm thấy”, Quỳnh kể.
Nhưng sau khi tìm được 9 lỗ hổng, thì lại thêm gần 1 năm cô gái lại đối diện với tình trạng “không tìm thấy gì”. Lúc này tâm lý nghi ngờ bản thân lại trở lại: “Hay là những thành tích lúc ấy của mình chỉ đến 1 lần, mình không làm được nữa. Lúc ấy tôi vừa ra trường, nghĩ mình phải đổi ngành, đổi nghề. Cũng may mình ngồi và suy nghĩ lại, cảm thấy ngoài những cái tiêu cực đó thì vẫn có cái tích cực. Bản thân mình đã đi đến đây, là thủ khoa, nền tảng rất tốt để mình phát triển thêm”.
May mắn, Quỳnh nhận được cơ hội sang nước ngoài làm việc, được đổi môi trường, làm những cái mới hơn. Quỳnh cũng trưởng thành hơn trong cách đối diện với những khó khăn.
“Thực sự tôi cảm thấy những tâm trạng không tốt là do cách mình đối diện với sự tiêu cực chưa đúng chứ không phải không hợp. Tất cả những yếu tố ngăn cản mình đều là do tâm lý của mình. Hiện tại tôi cảm thấy tự hào với bản thân khi vượt qua điều đó. Có một công việc có một tương lai khác xa rất nhiều so với những gì tôi còn nhỏ”, Quỳnh chia sẻ.