Không vội gõ cửa quỹ mạo hiểm, startup tự nâng cấp chính mình để tìm vốn
(DNTO) - Startup giờ đây đang tìm cơ hội để nâng cấp chính mình, tìm giải pháp đa dạng nguồn vốn tại các cuộc thi khởi nghiệp, chương trình tăng tốc trước khi bước vào các vòng gọi vốn chính thức.
“Mang chuông đi đánh… các cuộc thi”
Trước khi gọi được 750.000 USD vốn đầu tư, Buyo startup sản xuất sản phẩm từ nhựa sinh học phân hủy làm từ rác thải hữu cơ (chủ yếu hiện nay sử dụng bã bia), đã nhẵn mặt tại các cuộc thi khởi nghiệp.
Ngay trong năm đầu tiên thành lập (2022), thời điểm thị trường khởi nghiệp bắt đầu bước vào “mùa đông gọi vốn”, tỉ lệ thuyết phục “cá mập” rót vốn thành công vào một startup vừa khai sinh là rất thấp. Buyo phải đã tìm hướng khác. Startup mang quân đi chinh chiến tại 100+ Accelerator và giành chiến thắng với giải thưởng 15.000 USD cùng tấm vé vàng tham gia chương trình toàn cầu của AB InBev (100+ Accelerator).
Sau đó, Buyo tiếp tục mang giải pháp của mình đến Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2023 và giành giải nhất. Startup cũng nhận được gói tăng tốc khởi nghiệp do Shinhan Square Bridge Incheon tổ chức vào năm 2024 trị giá 60.000 USD.
Tiếng vang từ các chương trình khởi nghiệp cùng với giải pháp đánh đúng nỗi đau của thị trường đã giúp startup này liên tiếp thành công trong 2 vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, với tổng số tiền huy động đạt 750.000 USD.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm không còn hào phóng khiến startup non trẻ khó khăn trong gọi vốn. Họ buộc phải tìm cách đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cấp chính mình để tự tin bám rễ ở thị trường. Trước Buyo, nhiều startup lựa chọn con đường chinh chiến tại các cuộc thi trước khi bước vào vòng gọi vốn chính thức. Điển hình như Abivin (startup ứng dụng AI trong vận tải), Base.vn (nền tảng quản trị doanh nghiệp), House3D (nền tảng thiết kế nội thất online) tham gia chương trình đào tạo của Microsoft Emerge X; Sobanhang (giải pháp hỗ trợ bán hàng online), SSSMARKET (nền tảng trao đổi thời trang) tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp của FPT Smart Cloud…
Các nhà sáng lập thừa nhận rằng, việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp giúp startup trưởng thành hơn rất nhiều. Ngoài giải thưởng được xem là “vốn mồi”, startup còn có thêm nhiều nguồn vốn khác từ sự cố vấn của các mentor như kĩ năng phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, kinh nghiệm vận hành, bán hàng, quản lý nhân sự và nhiều hơn thế nữa.
Bước chân vào các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình hỗ trợ tăng tốc là một chiến lược thông minh với một startup trẻ, còn thiếu cả vốn, kĩ năng và kinh nghiệm. Chiến lược này cũng phù hợp với một hệ sinh thái mà các thành phần như tập đoàn, quỹ đầu tư, viện trưởng, cơ quan hỗ trợ…còn thiếu liên kết như ở Việt Nam. Vì ở các cuộc thi, chương trình đó, startup tìm thấy đủ các thành phần của hệ sinh thái gồm tập đoàn lớn với kinh nghiệm thực tiễn, quỹ đầu tư với nguồn vốn luôn sẵn sàng, các mentor với kiến thức kinh doanh dày dặn, các tổ chức, cơ quan hỗ trợ. Buyo là minh chứng cho thấy startup cần đa dạng hóa nguồn vốn chứ không nên chỉ dựa vào cái gật đầu của các “cá mập”.
Đa dạng vốn ngắn, trung và dài hạn
Ông Đàm Tiến Đức, Trưởng ban xúc tiến đầu tư, Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hà Nội cho biết kênh huy động vốn mới mà startup thường nghĩ đến đầu tiên là các quỹ đầu tư của các ngân hàng đầu tư. Đây là những tổ chức định chế tài chính chuyên nghiệp, chuyên đi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp với yêu cầu phải có tiềm năng tăng trưởng cao và mô hình kinh doanh đột phá.
Tuy nhiên, thị trường còn rất nhiều nguồn vốn tiềm năng khác như nguồn vốn từ cộng đồng, các trang web huy động vốn trực tuyến đã được thông qua như Kichstarter, Indiegogo hay GoFundMe. Theo ông Đức, đây là cách tiếp cận rộng rãi và ai cũng có thể tham gia để giúp doanh nghiệp thu hút sự quan tâm và tài trợ từ nhiều nguồn. Ngoài ra, startup còn có thể tìm đến nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và các chương trình phi lợi nhuận.
Vị chuyên gia cho biết, với mỗi mô hình kinh doanh, mục đích kinh doanh sẽ có những kênh tiếp cận nguồn vốn khác nhau. Nếu mục đích tạo ra một doanh nghiệp phát triển bền vững có thể tìm đến các vườn ươm khởi nghiệp, chương trình tăng tốc hay hỗ trợ vốn từ các chương trình của cơ quan nhà nước với chi phí vốn thấp, lãi suất ưu đãi.
Nếu muốn hướng đến để đạt được mục tiêu tài chính cho đội ngũ sáng lập bằng việc bán cho các tập đoàn lớn, thì phải trữ lượng đưa ra một lộ trình vốn phù hợp với định giá của doanh nghiệp trong tương lai.
Còn nếu xa hơn là lên sàn chứng khoán thì phải tìm đến các quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư hiện có các dạng: quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư vốn tư nhân và ngân hàng đầu tư. Tùy từng thời điểm nhu cầu vốn của doanh nghiệp mà có lộ trình tiếp cận các quỹ đầu tư khác nhau. Tuy nhiên họ đều có chung đặc điểm là đầu tư vào doanh nghiệp mà founder có uy tín, trách nhiệm, cam kết làm việc lâu dài.
“Nên đa dạng hóa nguồn vốn tiếp cận phù hợp với nguồn vốn ngắn, trung, dài hạn. Với các quỹ đầu tư, đa phần họ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp từ 3-5 năm. Chúng ta cần phải chuẩn bị phương án phát hành cổ phiếu cho quỹ trong thời gian đó, cùng với đó là cam kết chia lợi nhuận như thế nào nếu doanh nghiệp phát triển, quy trình thoái vốn cho nhà đầu tư để đảm bảo lợi nhuận ít nhất từ 3-5 lần”, ông Đức gợi ý.
Còn ông Lê Hùng Anh (Shark Hùng Anh), Giám đốc điều hành BIN Corporation, cho biết trước khi chưa gọi được vốn từ bên ngoài, startup phải duy trì sự sống bằng nguồn vốn tự thân.
“Phải luôn dự trữ dòng tiền lưu động có sẵn gấp 2-3 lần số tiền có thể thua lỗ trong vòng 6 tháng. Ví dụ bạn có quán cà phê dự kiến ban đầu mỗi tháng lỗ 10 triệu đồng, 6 tháng lỗ 60 triệu đồng, thì số tiền dự trữ phải có ít nhất 200 triệu để còn bơi theo nó. Nếu không khi gần đến điểm hòa vốn thì hết tiền trả lương nhân viên hay vận hành. Đây là trường hợp hết tiền khi gần chạm đến thành công”, ông Hùng Anh gợi ý.