Đồng mua mắm, đồng mua tương trong các startup
(DNTO) - Nhiều startup vượt qua “mùa đông gọi vốn” bằng những chiến lược sử dụng vốn một cách đáng đồng tiền bát gạo.
Năm 2024, một số các chuyên gia dự báo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho startup tiếp tục khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn biến động và những bài học nhãn tiền từ thời kỳ “tiền rẻ” vẫn còn đó. Do vậy, bài toán tài chính cho các công ty khởi nghiệp ngày càng trở nên khó khăn hơn, kể cả mở rộng hay thu hẹp quy mô.
Thực tế chứng minh nhiều startup “chết” vì hết tiền, nhưng không phải không bán được hàng, mô hình kinh doanh không lý tưởng, mà do thiếu kĩ năng quản lý tài chính. Kể cả có hay không có nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, vốn vay, việc quản lý tài chính tốt cũng giúp startup có thể sống sót.
M Village, startup cung cấp mô hình lưu trú hiện đại ra đời năm 2021, đã trải qua 2 vòng gọi vốn (3,7 triệu USD và 2,3 triệu USD), là minh chứng cho việc sử dụng dòng tiền đúng quyết định rất lớn đến sự sống còn của startup.
Nguyễn Quốc Phương, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Tài chính của M Village, cho biết startup nên có chiến lược phân bổ dòng tiền từ vốn huy động. Mỗi nguồn tiền sẽ sử dụng với mục đích khác nhau. Nếu sử dụng nhầm lẫn giữa các nguồn tiền, startup có thể rơi vào khủng hoảng tài chính, mất thanh khoản dẫn tới phá sản.
Cụ thể, doanh nghiệp thường có 2 kênh huy động dòng tiền là vốn góp và nợ vay. Vốn góp từ các nhà đầu tư nên chi tiêu cho các hoạt động mang tính chiến lược, tạo ra kết quả kinh doanh tích cực, tạo đà tăng trưởng cho startup. Nợ vay sẽ chi cho các hoạt động cố định như mua hàng (theo hợp đồng), lương nhân viên, tiền thuê văn phòng,... Để giảm áp lực thì startup cần tìm ra kênh tiếp cận nợ vay với chi phí rẻ nhất có thể.
“Tưởng tượng nếu bạn gọi vốn để chỉ để có vốn lưu động, kéo dài hoạt động bằng cách trả lương nhân viên, mặt bằng…những hoạt động không trực tiếp tạo ra doanh thu mới, trong khi đáng lẽ số tiền đó nên được đầu tư một cách chiến lược cho việc phát triển hoàn thiện sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, tập khách hàng....Các nhà sáng lập cần tỉnh táo nhận ra vấn đề này, trước khi quá muộn”, ông Phương nói.
Ông Hoàng Tiến Đạt, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần xe điện Pega, cho biết khi làm việc với các ngân hàng hay quỹ đầu tư, gần như các công ty khởi nghiệp khó có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các tổ chức tài chính này. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hạn chế trong việc tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa và nước ngoài.
Trong bối cảnh kinh tế đang đi xuống, các quỹ đầu tư cũng bị đặt chỉ tiêu lợi nhuận rất cao, các khẩu vị rủi ro của họ xuống thấp. Họ sẽ cân nhắc rất nhiều khi xuống tiền đầu tư. Vì vậy nguồn vốn cho doanh nghiệp của khởi nghiệp phải nhanh gọn, kịp thời, tương xứng với quy mô.
Trong tương lai gần, công ty này cho biết đã lên kế hoạch kêu gọi vốn từ những quỹ đầu tư mạo hiểm, từ những tổ chức tài chính, công ty chứng khoán để có đủ nguồn lực phát triển thêm sản phẩm mới. Đầu tiên là kêu gọi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa hay các quỹ từ Singapore, Malaysia, Quatar, những người đang muốn đầu tư vào các lĩnh vực góp phần giảm thiểu carbon.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, startup này cho biết vẫn đang vận hành bằng nguồn vốn tự có của founder và những lãnh đạo hiện tại góp vốn.
“Đối với startup hiện tại, nguồn vốn hợp lý nhất vẫn là nguồn vốn tự có. Tức khi doanh nghiệp khởi nghiệp phải xác định chuẩn bị đủ tài chính hoạt động từ 6-9-12 tháng để mô hình kinh doanh thành hình hài và tạo ra tiền trong thời gian đó.
Phải căn cứ vào các yếu tố vi mô, vĩ mô để quyết định mở rộng sản xuất hay thu hẹp vào thời điểm nào. Song song với đó luôn phải chuẩn bị nguồn kinh phí hoạt động để doanh nghiệp có thể duy trì qua thời điểm khó khăn. Phải sống qua thời điểm khó khăn thì khi thị trường hồi phục doanh nghiệp mới có thể phát triển”, ông Đạt nói.
Có thể thấy, các quyết định tài chính có ảnh hưởng không nhỏ tới sinh mệnh của các startup, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn từ thị trường mạo hiểm thu hẹp. Việc quản trị dòng tiền tốt không chỉ giúp startup kéo dài thời gian sống, mà còn giúp startup chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng họ đủ năng lực để giúp dòng tiền của các “cá mập” tiếp tục sinh sôi.