Thị trường đầu tư mạo hiểm cũng cần được chữa lành
(DNTO) - Sự u ám của thị trường đầu tư mạo hiểm đến từ một phần mối quan hệ đi vào bế tắc của nhiều startup và nhà đầu tư. Muốn khôi phục thị trường, niềm tin này cần được khôi phục.
31% trong 99 nhà đầu tư thiên thiên ở khu vực Đông Nam Á được AngelCentral khảo sát cho biết đã tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn hoạt động đầu tư vào startup trong năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do mất niềm tin vào sự thất bại của startup.
Thời kỳ “tiền rẻ” trước đây đã dung túng cho nhiều startup lập lờ trong hoạt động kinh doanh, gian dối các số liệu tài chính để qua mắt các nhà đầu tư. Trong năm ngoái, quỹ Vision của SoftBank buộc phải đệ đơn kiện IRL – startup truyền thông xã hội, do thổi phồng số liệu người dùng, nói dối quỹ về hiệu suất và lừa đảo hàng triệu USD. Những vụ siêu lừa đảo từng làm rúng động cộng đồng khởi nghiệp như vụ startup xét nghiệm máu Theranos, startup tài chính Frank... đã khiến hàng trăm triệu USD của nhà đầu tư đổ sông đổ bể.
Những “con sâu làm rầu nồi canh” là một trong những nguyên nhân khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trở nên khó khăn và eo hẹp, bên cạnh những lo ngại biến động kinh tế thế giới.
Do đó, startup ở thời điểm khó khăn như hiện nay sẽ phải vất vả hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Không chỉ là ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, mô hình kinh doanh sáng tạo, hấp dẫn... mà còn phải chú ý xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nhà đầu tư trước, trong và sau vòng gọi vốn.
Ông Đàm Tiến Đức, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư, Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hà Nội, cho biết các founder cần hiểu rõ điểm mạnh và lợi thế về mô hình kinh doanh của mình. Trong kinh doanh, luôn đặt chữ tín, trách nhiệm, tính cam kết với khách hàng, nhà đầu tư và những cộng sự đi cùng mình.
Các chủ doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận các quỹ đầu tư tài chính nên có lộ trình gọi vốn cụ thể, rõ ràng, minh bạch và một kế hoạch sử dụng vốn để đầu tư hiệu quả, hợp lý. Có rất nhiều doanh nghiệp chưa xác định mục tiêu mô hình kinh doanh của mình, thoái vốn thời điểm nào phù hợp và đường thanh khoản của nhà đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, để họ yên tâm đầu tư vào. Trong khi đây là những yếu tố nhà đầu tư rất quan tâm vì họ luôn muốn bảo toàn vốn và thoái vốn với mức lãi suất phù hợp.
Theo ông Đức, startup cũng cần xây dựng chiến lược quan hệ cổ đông và truyền thông tài chính, công bố minh bạch. Đây là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư để quảng bá hình ảnh, đồng thời xây dựng uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Khi nguồn vốn của các nhà đầu tư vào thì phải thành lập ban kiểm soát và phòng quan hệ cổ đông thực sự minh bạch. Vì khi rót vốn, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường trải qua 4 giai đoạn diễn biến tâm lý chủ yếu. Đầu tiên là họ cần biết đến sự tồn tại doanh nghiệp, sau đó hiểu sự tồn tại doanh nghiệp, tiến tới tin vào tiềm năng phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nghiệp. Cuối cùng phải để nhà đầu tư có thể “yêu” doanh nghiệp để sẵn sàng đồng hành lúc khó khăn vì kinh doanh sẽ có lúc lên, lúc xuống”, ông Đức nói.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Genesia Venture tại Việt Nam, cũng cho biết một sự thật rất nghiệt ngã trong hoạt động đầu tư mạo hiểm đó là “đến vì niềm tin và ra đi vì mất niềm tin”. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao những startup thường xuyên duy trì sự tương tác, liên lạc với họ thông qua những báo cáo, thông tin công khai, minh bạch.
“Một nhà đầu tư trong khu vực từng chia sẻ với tôi rằng anh ấy mất niềm tin với một startup vì nhiều năm qua họ không gửi báo cáo kết quả kinh doanh (KPIs) cho anh. Khi tình hình khó khăn, startup không thể tự gồng gánh nữa và tìm đến sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư của mình. Nhưng niềm tin đã không còn thì nhà đầu tư rất khó “giải cứu” startup. Sau nhiều năm không có báo cáo đều đặn và giao tiếp thường xuyên với các nhà đầu tư, startup đó rất tiếc không thể tiếp tục gọi vốn, và cũng không có nhà đầu tư nào bên cạnh hỗ trợ khi gặp khó khăn nhất”, bà Dung nêu ví dụ.
Vị “cá mập” cũng cho biết kể cả startup gọi được vốn từ nhà đầu tư cũng không phải bảo chứng cho thành công. Ngoài áp lực mất thời gian cho các vòng gọi vốn, áp lực tăng trưởng, pha loãng cổ phần... startup còn phải chịu áp lực về định giá ở các vòng tiếp theo và áp lực thoái vốn cho các cổ đông. Bởi các vòng gọi vốn tiếp theo luôn yêu cầu định giá startup phải cao hơn vòng trước. Vì vậy theo vị “cá mập” này, startup đã kêu gọi vốn thì phải sử dụng vốn cho thật đáng.
Các quỹ đầu tư khi muốn xuống tiền cho startup cũng sẽ tra cứu lịch sử huy động vốn của các startup. Đặc biệt, các quỹ đầu tư hiện nay có xu hướng đầu tư theo nhóm. Việc startup xây dựng mối quan hệ tốt với một quỹ đầu tư sẽ có cơ hội nhận vốn từ nhiều quỹ đầu tư khác có cùng “khẩu vị”.