Tìm người ‘ăn cơm nhà, vác tù và cho…startup’
(DNTO) - Bỏ thời gian, công sức và cả tiền túi để hỗ trợ startup, đội ngũ mentor (cố vấn, chuyên gia) vẫn ngày đêm miệt mài với công việc này để đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cất cánh.
Người ‘cầm tay chỉ việc’ cho startup
Ông Nguyễn Phúc Bình, mentor Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentor for V-Startup mùa thứ nhất 2021), là người từng chủ động đề nghị với Ban tổ chức phá vỡ khung yêu cầu huấn luyện của chương trình vì cảm thấy không phù hợp. Thay vào đó, vị mentor đề nghị dành 3 tiếng đồng hồ chỉ để nghe startup nói chuyện, sau đó modify (điều chỉnh) lại khung chương trình để hỗ trợ startup tốt hơn, thay vì bắt startup theo định hướng của cố vấn.
“Tôi nói với startup rằng họ đang gặp khó như thế nào hãy nói ra, tôi nghe hết, tôi bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để nghe mỗi founder nói chuyện. Sau khi modify (điều chỉnh) chương trình xong, Ban tổ chức nói với tôi rằng anh có cần hỗ trợ không, vì một mình anh cố vấn cho 2 trường hợp này khá khó. Tôi nói 'cứ để anh, anh tin rằng anh làm được', vì tôi tin vào 2 người founder, họ rất giỏi và đam mê, trong ánh mắt của họ có lửa và tôi thấy được điều đó”, ông Bình chia sẻ.
Xuất phát là dân sale, marketing trong lĩnh vực công nghệ tài chính fintech, lại đảm đương vai trò cố vấn cho 2 startup trong lĩnh vực khác nhau (một startup gặp khó khăn trong sale sản phẩm sức khỏe, một startup khó khăn về nhân sự trong mảng khoa học kĩ thuật), nên với ông Nguyễn Phúc Bình, quá trình cố vấn ban đầu cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, tin vào những kinh nghiệm của mình, ông Bình vẫn quyết tâm để hỗ trợ startup dù không cần sự phúc đáp.
“Cách huấn luyện của tôi là yêu cầu doanh nghiệp ghi lại những gì tôi nói, sau đó 2 tuần một lần, họ phải trả lời cho tôi thực tiễn áp dụng đến đâu, kết quả như thế nào. Đó là cách startup thể hiện sự tôn trọng với tôi chứ tôi không cần những thứ khác”, ông Bình nói.
Xây dựng lực lượng mentor sẵn sàng “cho đi”
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, Việt Nam đã ban hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) cũng như nhiều chính sách từ bộ ban ngành, nhưng lại thiếu những người cầm tay chỉ việc xây dựng hệ sinh thái ở địa phương. Các cơ sở giáo dục cũng vậy, được giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, nhưng không biết mô hình hoạt động như thế nào, chưa nói đến các trung tâm tăng tốc, các vườn ươm cũng không biết phải hoạt động ra sao cho hiệu quả.
“Khởi nghiệp là hành trình cô đơn và các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cô đơn không kém. Mới đây, tôi nhận được một tin nhắn của doanh nghiệp, nội dung là ‘Thầy ơi, em đang ở công ty, nhìn khách hàng đi ra, đi vào, và em khóc’. Đó là tâm lý chung của chủ doanh nghiệp, khi khách hàng đến quá nhiều cũng khóc, không có khách hàng cũng khóc vì không biết phải làm sao để quản trị quy trình đó cả.
Tôi đi nhiều tỉnh thành, gặp các cán bộ khởi nghiệp cũng gặp những câu nói tương tự: “Em bây giờ đang được giao xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nhưng không biết bắt đầu từ đâu với lộ trình như thế nào, vừa làm vừa mò mẫm, không có sự đồng hành, hướng dẫn của bất kì ai”, ông Trương Thanh Hùng chia sẻ như vậy khi nói về sự cần thiết của một mạng lưới mentor hỗ trợ startup.
Hiện Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đã đào tạo hơn 200 mentor và hình thành nhóm cố vấn cho 9 tỉnh thành, đào tạo hơn 250 cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Ông Hùng cho biết, các mentor đều là những doanh nhân, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt là luôn ở trong tâm thế sẵn sàng “cho đi”, đó là cho kiến thức, thời gian, mối quan hệ, kể cả sự hỗ trợ về tài chính cho các startup.
Không chỉ những mentor trong nước, đội ngũ kiều bào nước ngoài cũng rất sẵn sàng trở thành những mentor hỗ trợ startup. Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, nếu khai thác tốt lực lượng kiều bào, Việt Nam sẽ có đội ngũ mentor đông đảo và nhiệt huyết.
"Con số thống kê người Việt ở nước ngoài là 5,3 triệu người nhưng con số không chính thức phải 6 triệu và đang tăng lên hàng năm, trong đó thế hệ trẻ đã trở thành doanh nhân, tri thức, nhà khoa học… Trong các cuộc làm việc với người Việt trẻ ở nước ngoài, họ đều có tinh thần hướng về quê hương, họ rất muốn đóng góp cho đất nước trong lĩnh vực mình đổi mới sáng tạo, đầu tư, kinh tế. Họ nói không đặt vấn đề chế độ đãi ngộ, chỉ cần có những cơ chế giúp họ kết nối những cá nhân, tổ chức trong nước cần đến sự đóng góp của họ”, ông Dũng nói.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Luật này có 8 nhóm chương trình, giải pháp; trong đó hỗ trợ startup là một chương trình trọng tâm, với rất nhiều nội dung hỗ trợ và hiện Chính phủ cũng đã dành nguồn kinh phí, nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ cho startup từ việc hỗ trợ đội ngũ mentor, ươm các doanh nghiệp, kết nối với các quỹ đầu tư. Đây là điểm thuận lợi để đưa đội ngũ mentor đến gần hơn với các địa phương, startup.