Các xu hướng đầu tư mạo hiểm toàn cầu đang tiết lộ một thị trường hỗn loạn
(DNTO) - Xu hướng đầu tư mạo hiểm toàn cầu đang chia làm hai hướng, bên lạc quan cho rằng lượng tiền dự trữ sẽ thúc đẩy thị trường khởi nghiệp trong năm tới, nhưng bên lo ngại rằng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào danh mục đầu tư hiện tại chứ không phải các dự án mới.
Năm 2022, dòng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm mạnh, xuống còn 366 tỷ USD so với mức kỷ lục là 620 tỷ USD vào năm trước đó, theo CB Insights. Các mối lo ngại về suy thoái, khủng hoảng năng lượng và chiến tranh ở Ukraine đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư, khiến dòng tiền đổ vào thị trường mạo hiểm cũng co lại.
Ông Jalil Rasheed, chuyên gia đến từ Viện Tony Blair về Thay đổi toàn cầu (tổ chức phi lợi nhuận do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thành lập, nhằm hỗ trợ các nước giải quyết thách thức lớn), cũng cho biết các xu hướng đầu tư mạo hiểm toàn cầu hiện tại đang tiết lộ một thị trường hỗn loạn.
Theo Pithchbook, mặc dù số lượng các giao dịch tăng 243% nhưng giá trị kết hợp lại giảm tới 68%. Năm 2022 cũng chứng kiến 500 tỷ USD dòng tiền “Dry powder” (bột khô), là dòng tiền dự trữ của các quỹ mạo hiểm cách ly ngắn hạn khỏi sự hỗn loạn của thị trường.
Số lượng kỳ lân (startup tỷ đô) mới được tạo ra trong năm 2022 cũng sụt giảm gần một nửa, chỉ còn 244 kỳ lân so với con số 542 kỳ lân mới của năm trước đó. Cùng với đó, mức định giá các kỳ lân cũng giảm mạnh.
Những yếu tố trên làm cho niềm tin của các nhà đầu tư trong năm 2023 cũng phân nhánh. Một phần nhà đầu tư lạc quan nhưng phần còn lại không như thế.
Các nghiên cứu từ HBR, Starte Street chỉ ra một nhóm lạc quan cho rằng dòng tiền “Dry powder” sẽ tái tạo năng lượng cho thị trường khởi nghiệp vào năm sau. Vòng gọi vốn tiền hạt giống và hạt giống sẽ duy trì tương đối ổn định và niềm tin của các nhà đầu tư vào châu Á tăng 4 điểm.
Nhưng nhóm bi quan cho rằng dòng tiền “Dry powder” sẽ được sử dụng cho các danh mục đầu tư hiện tại chứ không phải các dự án mới, ngoài ra định giá các công ty sẽ giảm do kỳ vọng của nhà đầu tư cao hơn, niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu cũng giảm 5 điểm”.
“Có nhiều yếu tố để đổ lỗi cho sự chậm lại của dòng vốn mạo hiểm toàn cầu. Bên cạnh tỷ lệ lạm phát gia tăng và căng thẳng chính trị toàn cầu, thì việc tăng cường giám sát từ các nhà đầu tư cũng làm cho việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn trong năm 2023, ông Jalil Rasheed cho biết.
Ông Crocker Coulson, CEO Aum Media, Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường vốn, cho biết trong năm 2022, thị trường tiền mã hóa biến động mạnh, thị trường điều chỉnh lãi suất đã tác động mạnh mẽ đến thị trường đầu tư mạo hiểm vì việc huy động vốn cũng có chi phí của nó. “Quá trình huy động vốn trong năm tới tôi nghĩ sẽ có những thách thức phải đối mặt”, ông Crocker Coulson nói.
Mặc dù dòng vốn mạo hiểm chậm lại từ năm 2022, nhưng trong thập kỷ tới, quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục gia tăng lớn hơn, tập trung nhiều vào lĩnh vực y tế và tài chính. Ông Brian Lu, Partner Headline Asia, cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường. Vị này nêu ví dụ về thị trường crypto (tiền điện tử) thời điểm năm 2017, rất khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư, nhưng sau đó thì khác.
“Giai đoạn 2017, trong khoảng 180 công ty chúng tôi đầu tư, chỉ 6 trong số đó hoạt động hiệu quả, còn lại đóng cửa, bởi startup có công ty hoạt động 2-3 năm, cùng lắm là 10 năm là kết thúc. Từ 2017 thị trường điều chỉnh, các doanh nghiệp cố gắng sinh tồn, những năm đó tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư”, ông Brian Lu cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường vốn mạo hiểm giảm chung trên toàn cầu, nhưng khu vực châu Á và Đông Nam Á vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút vốn mạo hiểm. Hiện số lượng nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm đã có mặt nhiều hơn ở Đông Nam Á. Các tập đoàn cũng đang phát triển đầu tư mạo hiểm. Nguồn vốn mạo hiểm từ các tập đoàn đã tăng 7 lần trong 10 năm qua, với khoản đầu tư kỷ lục của Toyota vào kỳ lân châu Á là Grab.
“Hiện nay, nhiều Chính phủ đã có các sáng kiến và hỗ trợ từ các sàn giao dịch chứng khoán như nâng cấp các sàn giao dịch chứng khoán khu vực và quốc tế, điển hình là hoạt động cho phép doanh nghiệp niêm yết chéo giữa sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) và sàn SGX Group (Singapore). Điều này tạo thuận lợi cho rất nhiều công ty muốn tham gia thị trường huy động vốn”, ông Jalil Rasheed cho biết.