‘Cỗ xe’ đưa vốn mạo hiểm vào Việt Nam chậm lại: Đừng quá bi quan
(DNTO) - Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm sụt giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây là xu thế chung của toàn cầu, và Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong cuộc đua hút vốn này.
9 tháng đầu năm nay, đầu tư công nghệ vào Việt Nam chỉ đạt gần 500 triệu USD vốn đầu tư, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước, số thương vụ là 94, giảm 13% (theo Do Ventures).
Mặc dù không thể đạt mức kỷ lục như năm ngoái, nhưng đầu tư khởi nghiệp Việt Nam đã duy trì ở mức trước dịch Covid-19. Thực tế, việc sụt giảm vốn đầu tư mạo hiểm đang là xu thế chung trên toàn cầu. Bất ổn địa chính trị, lo ngại về suy thoái, khủng hoảng năng lượng và chiến tranh ở Ukraine đang làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư mạo hiểm.
Tổng hợp các báo cáo từ CB Insight, KPMG cho thấy, trong 3 quý đầu năm, dòng vốn mạo hiểm toàn cầu chỉ đạt 366 tỷ USD, sụt giảm 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái là 620 tỷ USD. Các khoản đầu tư theo hàng quý giảm 53% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, châu Á, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đương nhiên không miễn nhiễm với thị trường toàn cầu. Một số dự báo từ Golden Gate cho biết, dòng vốn mạo hiểm ở châu Á sẽ giảm 23% trong năm 2023 so với mức kỷ lục năm 2021.
Mặc dù dòng chảy vốn chậm lại nhưng tương lai của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn được đánh giá là khá tươi sáng. Một khảo sát của quỹ Golden Gate Ventures mới đây đánh giá sự kết hợp độc đáo của bộ ba thị trường Singapore - Indonesia - Việt Nam sẽ tạo thành “tam giác vàng khởi nghiệp”, giúp khu vực này trở thành “thỏi nam châm” hút vốn mạo hiểm toàn cầu.
Đặc biệt Việt Nam, với những tín hiệu khả quan về sự phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục được nhận định là thị trường tiềm năng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổng hợp nghiên cứu từ ADB và Google cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về chỉ số phục hồi Covid-19. Dự báo tăng trưởng 7,2%-8% trong năm 2022, thuộc top các quốc gia dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế số đạt 23 tỷ đô la vào năm 2022. FDI tăng lên mức cao nhất trong 5 năm.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam sẽ là lực hấp dẫn với các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ở các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chuyển dịch dòng vốn về Việt Nam.
Trong thập kỷ tới, thị trường Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thú vị cho các nhà đầu tư cũng như các doanh nhân. Công nghệ có thể giúp các gia đình Việt Nam được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đến các cơ hội toàn cầu giúp thay đổi sự phụ thuộc của chúng ta khỏi các nguồn năng lượng không thể tái tạo, nhờ các công ty Việt Nam như VinFast, DatBike và Selex Motors.
"Khi Việt Nam kết hợp tất cả những yếu tố trên, một quốc gia có tốc độ phát triển vượt trội, một nhóm lớn những người có trình độ học vấn và tay nghề cao đang ngày càng phát triển, một cộng đồng doanh nhân đang nuôi dưỡng và các nguồn vốn có kinh nghiệm quốc tế lớn hơn, thì bạn sẽ có một công thức để thành công toàn cầu”, ông Vinnie Lauria nhận định.
Ông Brian Lu, Giám đốc Điều hành Headline Asia, quỹ đầu tư mạo hiểm có15 năm kinh nghiệm cố vấn và tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết Đông Nam Á là thị trường mới mà quỹ này đang muốn tấn công mạnh mẽ trong thời gian tới, với hi vọng ‘săn kỳ lân’ tại khu vực này.
“Tại Đông Nam Á, chúng tôi muốn bỏ qua biên giới hành chính ở mỗi quốc gia, chúng tôi bắt đầu với các doanh nghiệp B2B tại Thái Lan, Philippines, Việt Nam, năm tới có thể là Indonesia hay phần còn lại. Startup có thể tiếp cận chúng tôi. Tôi thường nói với startup hãy xem xu thế trên thế giới là gì và liệu mình có áp dụng được không. Tôi hi vọng họ nắm được xu thế và có thể ứng dụng”, ông Brian Lu nói.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam tích cực và nỗ lực trong thay đổi chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp, cũng là yếu tố tích cực được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
“Định hướng phát triển chính sách cũng giống như ô tô đang chạy, khi chạy tốt hãy để cho nó chạy, nhưng đến thời điểm nào đó phải dừng lại ở trạm dừng nghỉ để thay lốp. Chính sách cần lập kế hoạch để hướng tới tăng trưởng bền vững bên cạnh tăng trưởng nhanh. Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 tại Hội nghị Cop26. Đôi khi người ta phải lựa chọn giữa kinh tế và môi trường. Việt Nam đã nêu ra quyết tâm bảo vệ môi trường và đang có những chính sách để hài hòa hơn, không phải lựa chọn như thế”, ông Rich McClellan, Cố vấn Chiến lược và Chính sách Rmac Advisory, nhận định.