Singapore - Indonesia - Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á thành ‘thỏi nam châm’ hút vốn đầu tư toàn cầu
(DNTO) - Một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục tại “tam giác vàng” Singapore - Indonesia - Việt Nam là cơ hội khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Nhiều nhà đầu tư đặt cược lớn vào Đông Nam Á
Theo Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Trong đó thị trường Đông Nam Á thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý trước.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng internet với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng internet lên 460 triệu người.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, cho biết, một nghiên cứu mà quỹ đầu tư này thực hiện mới đây cho thấy dòng vốn đầu tư toàn cầu đã thay đổi trong vài năm qua, đặc biệt, dòng vốn đang dịch chuyển vào châu Á, cụ thể là “tam giác vàng” khởi nghiệp Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia và Singapore đang hưởng lợi lớn nhất của sự dịch chuyển vốn đó. Đơn cử, đầu tư từ vùng Vịnh vào ASEAN đã tăng hơn 500% chỉ trong năm ngoái so với 5 năm trước đó cộng lại.
Một trong những lý do khiến Đông Nam Á tiếp tục có tiềm năng dài hạn là sự kết hợp độc đáo giữa các thị trường. Theo Golden Gate Ventures, Singapore đóng vai trò quan trọng như một “thị trường kết nối” ở Đông Nam Á, chịu trách nhiệm tiên phong và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đảo quốc Sư Tử còn đứng thứ hai về Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, có khả năng lãnh đạo quốc gia ổn định với tầm nhìn dài hạn và dân số có trình độ học vấn cao. Những yếu tố này kết hợp lại khiến đất nước này nhận được dòng vốn FDI lớn nhất tại Đông Nam Á.
Với lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia mang đến một thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển trên nền tảng di động và có hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử. Covid-19 như một chất xúc tác đã mang lại một sự chuyển đổi kỹ thuật số chỉ sau một đêm, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử ở Indonesia vượt xa mức trước đại dịch, một tài sản quý giá khiến Đông Nam Á ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Còn Việt Nam đã và đang tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục.
“Cơ hội từ tam giác vàng này khó có thể tái tạo ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và sức mạnh của bộ ba Singapore - Indonesia - Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu Khi kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”, Golden Gate Ventures nhận định.
Việt Nam là điểm sáng thu hút đầu tư mạo hiểm
IMF mới đây cũng dự báo ASEAN là khu vực duy nhất trên toàn cầu có bất kỳ mức tăng trưởng GDP dự báo nào trong hai năm tới; trong đó Việt Nam và Indonesia sẽ dẫn đầu tăng trưởng của ASEAN, và là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong hai năm tới.
Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cũng cho biết, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 7%, phần lớn nhờ lĩnh vực công nghệ và đổi mới đang mở rộng. Trên thực tế, ngành công nghệ Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 20% trong thập kỷ qua, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới.
Cũng theo vị này, nếu Thung lũng Silicon có 8 thập kỷ phát triển với hàng chục thế hệ doanh nhân công nghệ thì Việt Nam mới bước vào thế hệ thứ 2, dư địa rất dài, hoàn toàn có thể thành công. Việt Nam có tiểu vũ trụ về có vấn, hỗ trợ thành công và sự chung tay phát triển, đội ngũ tài năng, số lượng người Việt toàn cầu rất lớn.
“Nghiên cứu của chúng tôi cũng nhấn mạnh trên quỹ đạo hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ vượt qua Indonesia trong vòng 5 năm tới. Điều đó rất thú vị đối với các nhà đầu tư và là dấu hiệu báo trước rằng các nhà đầu tư mà chúng tôi mong đợi sẽ đến, các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu có truyền thống hoạt động ở các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ bắt đầu tìm đến Việt Nam. Rõ ràng là Việt Nam không chỉ là một trụ cột chính trong Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á, mà còn là một quốc gia mà thế giới phụ thuộc vào sự phát triển toàn cầu”, ông Vinnie Lauria nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo chuyên gia, hệ sinh thái ở Việt Nam đã phát triển thành một mô hình thu nhỏ phát triển mạnh về cố vấn, hỗ trợ và cởi mở để làm việc cùng nhau. Mạng lưới này vừa sâu rộng với nguồn tài năng kỹ thuật phong phú, vừa rộng khắp với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài toàn cầu mang đến những cơ hội và kinh nghiệm quốc tế.
"Cốt lõi của một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ là những người sáng lập. Tôi đã gặp rất nhiều doanh nhân ở Việt Nam, không có quốc gia nào mà tôi đã đến thăm trên thế giới có động lực và tinh thần kinh doanh như ở Việt Nam. Và theo dữ liệu từ Global Entrepreneurship Monitor (GEM), Việt Nam đứng số 1 toàn cầu về nữ doanh nhân khởi nghiệp giai đoạn đầu. Điều này rất quan trọng vì sự đa dạng mở ra sự đổi mới", Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures nhận định.