39 quỹ đầu tư cam kết rót 1,5 tỷ USD cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam
(DNTO) - Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022, sáng 19/12, các chuyên gia, giới đầu tư đánh giá thị trường khởi nghiệp Việt Nam nhiều điểm sáng để phát triển, do đó sẽ tăng cường nguồn vốn đầu tư vào thị trường này trong giai đoạn tới.
Với chủ đề “Dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu”, Vietnam Venture Summit 2022 là cơ hội đểcác bên sẽ cùng trao đổi, làm rõ bức tranh về dòng chảy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới và tại Việt Nam, những lĩnh vực công nghệ thu hút đầu tư, cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
6 tháng đầu năm, thương vụ thành công Việt Nam chiếm 19% toàn khu vực
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ năm 2019, Vietnam Venture Summit đã trở thành một sự kiện thường niên, là nơi quy tụ, kết nối hiệu quả các quỹ đầu tư quốc tế với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD.
“Điều này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ.
“Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, chứng tỏ một lượng lớn các startup Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại Vietnam Venture Summit 2022, đã có 39 quỹ đầu tư cam kết dành 1,5 tỷ USD vốn cho thị trường khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Tổng giá trị đầu tư lên tới 5 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm tới.
Nhắc đến vai trò của các quỹ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết với sự hỗ trợ toàn diện về tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, các quỹ đầu tư đã góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startup Việt khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn.
Sẽ có cơ chế giúp nhà đầu tư rót vốn và rút vốn dễ dàng
Trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38 với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng.
Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế của Việt Nam tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.
Trong nội dung phát biểu tại Techfest Việt Nam 2022 cách đây 2 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.
“Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.