‘Giấc mơ’ IPO tại Mỹ: VNG dừng chân, Vinfast theo đuổi và khoảng trống lớn dành cho kỳ lân Việt
(DNTO) - Theo chuyên gia, nhiều công ty Trung Quốc bị “bay màu” khỏi các sàn chứng khoán Mỹ là cơ hội thuận lợi, tạo ra khoảng trống thị trường lớn mà doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang có cơ hội niêm yết tại đây.
Mông lung “giấc mơ” IPO tại Mỹ
Sau nhiều động thái nỗ lực để thực hiện tham vọng niêm yết cổ phiếu (IPO) tại Mỹ, cuối tháng 11 vừa qua, kỳ lân (startup định giá trên 1 tỷ USD) VNG có cú “quay xe” bất ngờ, đó là thực hiện đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhằm chuẩn bị niêm yết trên sàn UPCOM.
Các kỳ lân khác như VNLIFE, MoMo, hay những startup gần chạm ngưỡng kỳ lân như Tiki cũng đặt tham vọng niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Mỹ và Singapore, nhưng tới giờ vẫn tạm thời gác lại.
Trong khi đó, Vinfast có động thái mạnh mẽ hơn để biến giấc mơ thành hiện thực. Cách đây 1 tuần, VinFast Trading & Investment (công ty con của Vingroup có trụ sở tại Singapore), đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng với mã VFS.
IPO tại Mỹ là một phần quan trọng mà hãng xe hơi Việt hay nhiều kỳ lân khác hướng tới để trở thành thương hiệu toàn cầu. Nhưng, “giấc mơ” này ngày càng trở nên mông lung khi các kỳ lân công nghệ ở Đông Nam Á đã mất hơn 50 tỷ USD vốn hóa khi lên sàn chứng khoán. Ngoài việc vốn hóa bị thổi bay, Grab, GoTo hay Bukalapak còn đang phải đối mặt với những hoài nghi về tiềm năng phát triển. Sức ép từ việc lãi suất tăng cao trên toàn cầu và rủi ro suy thoái kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, các cổ phiếu công nghệ nhanh chóng lao dốc.
Mặt khác, việc các nhà đầu tư tính toán lại định giá sau thời kỳ bị “thổi phồng” cũng sẽ khiến nhiều công ty không còn nhận được định giá như mong muốn. Đó cũng là lý do nhiều startup như MoMo, dù vẫn đang trên đà phát triển và từng hừng hực khí thế phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nay cũng tạm thời gác lại “giấc mơ IPO”, chờ thời rồi tính tiếp.
Khoảng trống thị trường khi doanh nghiệp Trung Quốc rút quân
Thế nhưng, một tín hiệu khác khá tích cực dành cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mong muốn đeo đuổi “giấc mơ IPO Mỹ”, đó là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ.
Cụ thể, tháng 8 vừa qua, 5 “ông lớn” quốc doanh của Trung Quốc (Sinopec, China Life Insurance, Aluminium, PetroChina và Sinopec Thượng Hải) đồng loạt thông báo hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang đối diện với nguy cơ “bay màu” khỏi sàn chứng khoán Mỹ khi không đáp ứng được các quy định kiểm toán của nước này.
TS. Martin Đoàn, chuyên gia có 30 kinh nghiệm đầu tư tại Mỹ, hiện là Chủ tịch Msquare Holdings và Quỹ AGGC chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi ở châu Á, cho biết việc các công ty Trung Quốc rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ đang tạo ra khoảng trống thị trường lớn. Vị chuyên gia kỳ vọng sắp tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể bù đắp vào khoảng trống đó.
“Năm 2008, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ là Lehman Brothers sụp đổ, tổng vốn thị trường chứng khoán lúc đó khoảng 25.000 tỷ USD. Trong mười mấy năm nay, tổng vốn thị trường Mỹ đã gấp đôi, khoảng 50.000 tỷ USD. Nếu chúng ta có cơ hội “bơi” trong thị trường này kiểu gì cũng huy động được vốn để phát triển doanh nghiệp. Thị trường Mỹ cũng là nơi sinh sản ra rất nhiều tỷ phú của thế giới như Elon Musk, Jack Ma. Chúng ta cũng kì vọng những kì lân Việt Nam qua Mỹ niêm yết để có những tỷ phú đô la có tài sản ngang ngửa với tỷ phú Mỹ”, ông Martin Đoàn nói.
Đối với những lo lắng về cơ sở pháp lý khi niêm yết tại Mỹ, vị chuyên gia cho biết đây không phải là vấn đề quá khó khăn. Bởi vào năm 2006-2009, Cavico, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư, đã trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) thông qua cơ chế SPAC (sử dụng các công ty rỗng đã niêm yết, huy động vốn mua lại các công ty hoạt động thật, giúp công ty được mua lại có thể IPO).
Hay hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường nước ngoài cũng là công cụ tài chính được Vingroup và Novaland thường xuyên thực hiện để huy động vốn, giúp hai tâp đoàn thu hút hàng trăm triệu USD trong những năm qua.
“Cơ sở pháp lý đã có tiền lệ, nên không có sự khó khăn. Bản thân tôi cách đây 6-7 năm cũng đã hỗ trợ một doanh nghiệp thực hiện các thương vụ thâu tóm liên tiếp xuyên quốc gia, chưa có tiền lệ như phát hành cổ phiếu tại Việt Nam và hoán đổi với một doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kong, nhà máy ở Đông Quảng nhưng được sở hữu bởi quỹ tư nhân ở Mỹ”, TS. Martin Đoàn cho hay.