Ví điện tử trong cuộc đua trở thành siêu ứng dụng
(DNTO) - MoMo bắt tay với Gojek, VNPAY hợp tác với Visa, trong khi ZaloPay và ShopeePay đẩy mạnh tái cấu trúc trong nội bộ... để tiến hành ‘tăng ga’ trong cuộc đua trở thành siêu ứng dụng.
Cộng sinh để bành trướng
Để củng cố địa vị trên thị trường, ngay trong những tháng đầu năm 2022, hàng loạt “ông lớn” ví điện tử đã có hàng loạt động thái để mở rộng hệ sinh thái của mình.
Đầu tiên là ví điện tử VNPAY, đơn vị đang sở hữu mạng lưới 200.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, 25 triệu người dùng, công bố hợp tác với Visa – một trong những đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số hàng đầu cho doanh nghiệp, với tham vọng đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.
Bước đi này của VNPAY được đánh giá là “hợp thời”, chuyển từ việc “đánh” vào các khách hàng là cá nhân sang khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp – những đối tượng đang mạnh mẽ chuyển đổi số trong các giao dịch.
Sau động thái của VNPAY, chỉ sau đó 1 tháng, ví điện tử MoMo cũng tung ra thông báo “bắt tay” cùng Gojek (ứng dụng gọi xe, giao hàng trực tuyến đang sở hữu 200.000 đối tác tài xế, hàng chục nghìn nhà hàng.
Với 31 triệu người dùng, mặc dù vẫn đang giữ vị trí ví điện tử lớn nhất Việt Nam, nhưng MoMo cũng không thể chủ quan trước ông lớn VNPAY đang chạy đua sát sườn. Vì vậy, bước đi của MoMo cũng được xem là “cú tăng ga” để gia tăng khoảng cách với đối thủ.
Với Zalo Pay, ví điện tử hiện đang chìm trong thua lỗ (công ty sở hữu Zalo Pay lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng trong năm 2021, trước đó lỗ 666 tỷ đồng năm 2020), hiện đang đẩy mạnh tái cấu trúc nội bộ, để tránh hụt hơi trên đường đua này.
Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động, tăng gấp 7 lần so với năm 2015, theo Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh các “ông lớn” như MoMo, VNPAY, Moca, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động khi có sự gia nhập của hàng loạt các “tân binh” như VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đang tích hợp Lazada), SmartPay, G-Pay…
Theo nhiều chuyên gia, năm 2022 sẽ ghi nhận một năm cạnh tranh khốc liệt của các ví điện tử, khi nhiều ví đang có tham vọng trở thành siêu ứng dụng (super app).
Minh chứng rõ nhất là MoMo, VNPAY, ViettelPay… liên tục có động thái mở rộng hệ sinh thái bằng việc sáp nhập với các công ty trong các ngành khác như thương mại điện tử, bán lẻ… hay mua lại startup công nghệ số, để đa dạng dịch vụ cung cấp, nhằm thu hút người dùng.
Phần cốt yếu không thể lơ là
Trên con đường trở thành siêu ứng dụng, việc mở rộng tính năng để phục vụ tốt hơn cho người dùng là xu hướng chung của các ví điện tử. Tuy nhiên, hoạt động cốt lõi của các ví điện tử vẫn là thanh toán, mà thanh toán liên quan mật thiết đến việc bảo mật.
Với tính chất phức tạp của việc bảo mật ứng dụng và tài chính trực tuyến, người dùng vẫn cần nhiều hơn việc tăng cường bảo mật của các ví điện tử.
Nghiên cứu từ hãng phần mềm bảo mật Kaspersky ghi nhận, hơn 65 % số người được hỏi cho rằng ví điện tử nên cung cấp nhiều tính năng hơn để duy trì bảo mật như thay đổi mật khẩu thường xuyên; 60% cho rằng các ví điện tử cần phổ cập người dùng nhiều hơn về các mối đe dọa trực tuyến.
Ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho biết, hiện các hệ thống thanh toán và ngân hàng chủ yếu chỉ bảo vệ ở hệ thống, còn ít quan tâm đến việc bảo vệ ở phía người dùng cuối. Trong khi đó, 80% gian lận thanh toán chủ yếu xảy ra ở người dùng cuối. Đây là yếu tố mà các ví điện tử cần quan tâm bởi việc bảo mật ở hệ thống và ở phía người dùng là rất khác nhau.
Số lượng ví điện tử được dự đoán sẽ đạt giá trị giao dịch 4,8 tỷ vào năm 2025 (tăng từ 2,8 tỷ vào năm 2020) trên thế giới, theo Digital Virgo. Đặc biệt, xu hướng tích hợp các công nghệ mới nổi vào ví điện tử sẽ ngày càng khiến cuộc đua trở nên gay gắt. Khi đó, bài toán bảo mật trong ví điện tử sẽ được giải quyết tốt hơn bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm máy học. Điều này đặt ra bài toán cho ví điện tử trong việc tăng cường đầu tư công nghệ mới để giải quyết vấn đề hiện hữu.