Chiến lược 'đánh' về nông thôn của các nền tảng thanh toán số
(DNTO) - Nông thôn – một mảnh đất hoang sơ nhưng đầy tiềm năng đang được các nền tảng thương mại điện tử, thanh toán online “nhắm” đến.
Nếu như nhiều đơn vị vẫn mang tư duy coi nông thôn là bài toán khó khi phát triển dịch vụ thanh toán online thì với Visa- một tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia không bỏ lỡ cơ hội khai thác mảnh đất hoang sơ nhưng đầy tiềm năng này.
Visa hiện đang hợp tác với các ngân hàng phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán khắp cả nước để mở rộng loại hình thanh toán kỹ thuật số ở mọi nơi, đồng thời ra mắt nhiều loại thẻ và chương trình hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận phương thức thanh toán này, như giảm giá khi sử dụng thẻ, đặc biệt là tại các điểm bán lẻ, quán ăn địa phương.
“Người dân nông thôn đã dần quen với việc mua sắm và thanh toán online. Đặc biệt, là trên nền tảng Facebook và công cụ tìm kiếm của Google. Vì vậy, để mở rộng phân khúc người tiêu dùng nông thôn, các doanh nghiệp có thể triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và gia tăng sự hiện diện của mình ở những nơi người tiêu dùng thường xuyên ghé thăm thông qua các công cụ hoạch định chiến lược. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phổ cập về kiến thức thanh toán điện tử đến người tiêu dùng khắp mọi nơi.”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam và Lào cho biết.
Hay VNPT – nhà mạng đầu tiên được triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money (thanh toán điện tử thông qua thuê bao di động) trên phạm vi toàn quốc từ 25/11/2021, cũng “nhắm” đến 60% dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn, bên cạnh đối tượng thanh toán sống ở các đô thị lớn, với mục đích không bỏ ai ở lại phía sau.
Tận dụng mạng lưới 11.000 điểm giao dịch của ngân hàng, 20.000 ATM trên toàn quốc, VNPT tham vọng sẽ phát triển khoảng 200.000 điểm Mobile Money, tương đương mỗi xã có khoảng 20 điểm. Điều này giúp bà con ở bản xa nhất tại Việt Nam cũng dễ dàng đến điểm Mobile Money để thực hiện nạp, rút, thanh toán hay chuyển tiền.
“Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 2 tuần triển khai dịch vụ, tín hiệu khả quan. Với Moblie Money VNPT Pay, mọi khách hàng đều có thể sử dụng thuê bao VNPT chính chủ như một tài khoản ngân hàng để nạp, rút, thanh toán và chuyển tiền mà không cần kết nối internet. Hay việc mở tài khoản Mobile Money cũng được online hóa toàn bộ nên rất nhanh chóng và tiện lợi rất nhiều, chỉ thông qua một vài cú bấm chuột”, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm VNPT Fintech chia sẻ.
Báo cáo thường niên do Facebook và GroupM cho thấy, người tiêu dùng ở các vùng nông thôn đang sử dụng Internet nhiều hơn và tăng nhanh từ 2018 (84%) đến 2021 (91%). Đặc biệt, người tiêu dùng ở nông thôn rất thành thạo việc sử dụng các sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số. Có tới 92% người dân nông thôn đã sử dụng điện thoại thông minh, tăng mạnh so với 2 năm trước (84%). Những con số này đã phần nào phản ảnh về mức độ tiếp cận với các sản phẩm, và quen với các loại thiết bị, dịch vụ giải trí mới.
Giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 đã thay đổi những thói quen lâu năm, khiến ngay cả những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến. Những sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi một cách triệt để trong dịch vụ để gia tăng và duy trì lòng trung thành của khách hàng.
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, gần 1/5 trong số các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Các nền tảng thương mại điện tử đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và cả khu vực nông thôn.
Thực tế, chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” từ lâu đã được Viettel áp dụng thành công để chiến thắng các đối thủ cả ở trong nước và quốc tế. Tại Tanzania (quốc gia ở châu Phi), trong khi các gã khổng lồ thanh toán như M-pesa, Tigo Pesa và Airtel money “ngại” khi tiếp cận khu vực nông thôn, thì Halopesa - ví điện tử của Viettel lại nhìn thấy cơ hội. Hiện tại, Halopesa đã đạt cán mốc 3 triệu người dùng – một con số đáng mơ ước của các ví điện tử hiện nay.
Có thể nói, công nghệ đang giúp gia tăng phủ sóng tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường này ngoài việc thấu hiểu nhu cầu người dùng thì chất lượng sản phẩm, dịch vụ kèm theo vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu. Không nên xem thường thị trường, người tiêu dùng ở nông thôn để giảm chất lượng.