Giai đoạn ‘bóp mồm, bóp miệng’ của các kỳ lân
(DNTO) - Khó khăn trong huy động vốn khiến các startup phải xem lại hoạt động kinh doanh của mình bằng cách cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu, kể cả những phần thậm chí rất quan trọng với một công ty công nghệ là nhân sự.
Ông chủ cũng ngừng nhận lương
Thông tin ban lãnh đạo cấp cao của Sea (công ty mẹ của Shopee) tạm thời ngừng nhận lương và thắt chặt chính sách chi tiêu, là minh chứng rõ nhất cho giai đoạn khó khăn Sea nói riêng và cộng đồng startup nói chung.
Startup giá trị nhất Đông Nam Á đã đến lúc nhìn thấy không thể dựa lưng vào các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm mà phải tự lực cánh sinh, bởi khó khăn trên thị trường đầu tư vẫn còn kéo dài. Do đó, Sea đã từng bước thay máu chính mình, thay vì “đốt tiền” chiếm lĩnh thị trường toàn cầu như giai đoạn trước. Hiện startup này buộc phải dừng hoạt động ở một số thị trường, cắt giảm nhân sự ở nhiều bộ phận, chuyển trọng tâm vào lợi nhuận.
ByteDance, mặc dù đang thống trị doanh thu toàn cầu (1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay) từ ứng dụng TikTok, nhưng vốn hóa hiện đã vuột mốc 300 tỷ USD, giảm ít nhất 25% so với mức định giá hồi năm ngoái. Kỳ lân lớn nhất thế giới cũng đang bước vào chiến dịch cắt giảm nhân sự mạnh mẽ ở mảng kinh doanh không hiệu quả và đang bị chính sách siết chặt là phát hành game.
Các kì lân khác như Grab, Goto… cũng đang có những động thái siết chặt chi tiêu trong bối cảnh vốn hóa giảm vài chục % so với thời điểm đầu khi IPO.
Khẩu vị của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã thay đổi khi nền kinh tế thế giới bao trùm bởi những bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng cao, tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, chính nhiều quỹ đầu tư hiện cũng đang khó khăn khi các cổ phiếu công nghệ giảm tốc.
Đơn cử như SoftBank, một “cá mập” hào phóng của các startup, giờ đây đang chịu mức lỗ cao nhất lịch sử (hơn 23 tỷ USD trong nửa đầu năm nay). Điều này buộc Soft Bank phải chuyển sang chế độ phòng thủ, bằng cách giảm mạnh các khoản đầu tư cho các công ty khởi nghiệp mới, thậm chí là bán bớt cổ phần trong nhiều startup kỳ lân đã rót vốn như Alibaba, Uber.., cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự…
Vì vậy, theo ông Bùi Thành Đô, CEO Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures, nhìn rộng ra toàn cầu, số vốn đầu tư mạo hiểm vào các mô hình kinh doanh sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian tới, nhưng xu hướng chung là giảm. Đặc biệt, dòng tiền sẽ tìm đến những nơi an toàn hơn và các quỹ sẽ cần những mô hình thực sự chứng minh được hiệu quả.
Kỳ lân thưa dần
Không còn thời dòng tiền dễ dãi đổ vào những công ty tăng trưởng nhanh mà không đem lại lợi nhuận như Sea, mà các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm những công ty “chậm mà chắc”. Điều này không chỉ khiến các kỳ lân, những mô hình tăng trưởng thần tốc trong thời gian qua phải sống chật vật, mà còn khiến thị trường vắng bóng những kỳ lân mới.
Năm nay, số lượng kỳ lân mới được tạo ra mỗi quý đã giảm xuống dưới 20, so với mức hơn 30 công ty vào cuối năm ngoái, và không có dấu hiệu tăng lên và tháng 7, Theo CB Insights.
Số thương vụ IPO của các công ty châu Á - Thái Bình Dương giảm tới 32% về số lượng và 40% về giá trị. Tại Phố Wall (Mỹ), tình trạng này còn ảm đạm hơn khi chỉ có 53 thương vụ IPO kể từ đầu năm nay, giảm tới hơn 80% so với cùng kì năm trước. Số công ty nộp đơn IPO cũng giảm tới 70%.
Bà Phạm Ngọc Bích, chuyên viên quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam chia sẻ, sự ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế lần này đến các doanh nghiệp, startup là rất rõ rệt, như định giá giảm, tình hình gọi vốn khó khăn hơn, nhiều công ty phải tìm mọi cách cắt giảm nhân sự, chi phí để sống sót.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo bà Bích, cuộc suy thoái này cũng là điều kiện để đưa các startup trở về giá trị thực của mình, và đây là sự thanh lọc cần thiết cho cả startup và quỹ đầu tư để tiến tới sự phát triển bền vững.
Thật vậy, trong năm 2021, khi các cổ phiếu công nghệ được dịp thăng hoa, các startup trong ngành cũng được hưởng lợi. Giá trị startup khi đó phụ thuộc rất lớn vào khả năng “tô vẽ” của các nhà sáng lập. Nhiều cá mập như SoftBank cũng tự nhận mình đã “mờ mắt” trước những viễn cảnh tươi đẹp của các cổ phiếu công nghệ.
Nhưng khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, trả về những dòng tiền thật, giá trị thật, buộc các startup và nhà đầu tư đều phải thận trọng hơn trong việc tiêu tiền. Bởi với các startup, những mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, buộc phải trải qua giai đoạn “đốt tiền” trước khi kiếm được lợi nhuận. Vì khi bắt đầu vận hành doanh nghiệp, những chi phí trả lương nhân sự, xây dựng hạ tầng, mở rộng thị trường, marketing, nghiên cứu và phát triển sản phẩm… cũng sẽ ngốn hàng núi tiền của startup. Do đó, kể cả khi startup kêu gọi được vốn, số tiền đảm bảo hoạt động trong vài năm, nhưng nếu không cẩn thận trong chi tiêu, cũng có thể biến thành tro bụi chỉ sau vài tháng.
Minh chứng rõ nhất là Propzy – cái tên đình đám trong thị trường khởi nghiệp Việt Nam, vừa thông báo dừng hoạt động vì “cạn máu”. Startup công nghệ bất động sản liên tục thua lỗ từ khi thành lập từ năm 2017. Đặc biệt, năm 2021, startup này lỗ tới 155 tỷ đồng trong khi doanh thu chưa tới 1 tỷ đồng. Con số này cho thấy khả năng “đốt tiền” khủng khiếp của startup.
Với tốc độ tiêu tiền như vậy, dù startup đã gọi được 30 triệu USD, nhưng không thể bù đắp khoản lỗ chồng lỗ sau nhiều năm. Nhát dao chí mạng dành cho Propzy này chính là không thể tiếp tục gọi vốn trong bối cảnh thị trường khó khăn. Đây cũng là bài học dành cho các công ty khởi nghiệp, cả ở giai đoạn thai nghén hay đã phát triển thành kỳ lân, trong việc cân đối tài chính, lựa chọn hướng mở rộng quy mô.