Vụ VCCorp bị khởi kiện: Bài học cho các quỹ đầu tư khi thương thảo với startup
(DNTO) - Lợi dụng nguồn lực từ nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đang cố tình mập mờ các khoản thu chi khi đạt được lợi nhuận khủng. Câu chuyện VCCorp đang bị nhóm công ty IDGVV 15 Limited và IDG Ventures Việt Nam kiện, cũng là bài học cho các quỹ đầu tư trong quá trình thương thảo với startup trong việc quản lý tài chính.
Lương duyên gãy đôi vì gian dối
Nhóm công ty IDGVV 15 Limited và IDG Ventures Việt Nam vừa khởi kiện VCCorp – startup mà họ rót vốn từ năm 2007 với tư cách cổ đông lớn, khi nhận thấy có dấu hiệu sai phạm trong quản lý tài chính và nhân sự. Đơn khởi kiện đưa ra sau hơn 15 năm quỹ và startup kết mối lương duyên, và sau hàng loạt nỗ lực giải quyết nội bộ không thành.
IDG Ventures Việt Nam được biết đến là một bộ phận của IDG Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ, được thành lập từ năm 1992 và hiện đang có 10 văn phòng trên thế giới. Được xem là một trong những quỹ ngoại đầu tiên bước chân vào thị trường Việt Nam, IDG Ventures Việt Nam hiện đang nắm trong tay 100 triệu USD và rót vốn cho hơn 40 startup.
Không thể phủ nhận rằng, sự tham gia của IDG đã giúp VCCorp nhanh chóng tăng trưởng từ mức lợi nhuận vài tỷ đồng trong những năm đầu hoạt động, lên mức gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2021. Hệ sinh thái của startup này cũng nhanh chóng được mở rộng với 30 website, trang tin điện tử với hàng tỷ lượt xem mỗi tháng, con số vượt xa cả những cơ quan báo chí chính thống; ngoài ra là mảng phát hành game, xây dựng nền tảng công nghệ quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội…
Thế nhưng, kinh nghiệm của một “cá mập” lão làng cũng vẫn bị qua mắt bởi chiêu trò gian dối, nhập nhèm của startup. Sau nhiều năm quan sát, quỹ đầu tư phát hiện bức tranh tài chính của startup đã bị “phù phép” để trục lợi cá nhân, thay vì công khai, minh bạch để chia thành quả cho nhà đầu tư.
Thực tế, VCCorp không phải startup đầu tiên trong thị trường khởi nghiệp có hành động gian dối với quỹ.
Hồi giữa năm ngoái, nhóm nhà đầu tư của OnOnPay là gồm Captii Ventures và Gobi Partners, khởi kiện CEO Telio Bùi Sỹ Phong, với cáo buộc sử dụng nguồn lực của quỹ sai mục đích. Kết quả, ông Phong buộc phải chuyển cổ phần của mình tại Telio cho OnOnPay đồng thời phải trả toàn bộ phí tố tụng là 176.000 USD.
WeWork – một biểu tưởng startup một thời cũng “ngã ngựa” vì những hoạt động tài chính không minh bạch của doanh nghiệp cũng như những khoản chi bất thường từ CEO.
Giá trị của niềm tin
Tuy vậy, tất cả những chiêu trò của startup dù dưới hình thức nào cũng sẽ bị vạch trần, bởi những con số không bao giờ biết nói dối. Và kết cục của các tình huống này đều là đường ai nấy đi.
Vì khi đầu tư cho một startup, các nhà đầu tư đều gửi gắm niềm tin vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngoài niềm tin vào những yếu tố mang tính định lượng (báo cáo tài chính, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng…), vẫn còn những niềm tin được đặt vào những yếu tố định tính (người sáng lập, đội ngũ nhân sự…). Mà đôi khi, những niềm tin vào người sáng lập có thể khiến nhà đầu tư xuống tiền nhanh hơn các yếu tố định lượng khác. Nên khi niềm tin đã không còn bởi những hành động thiếu minh bạch, đương nhiên mối quan hệ cũng không thể tiếp tục.
Thực tế, trong kinh doanh, ở bất kì phương diện nào, việc xây dựng niềm tin rất quan trọng, nhưng không dễ để thực hiện và càng khó khi gìn giữ. Niềm tin đó không chỉ đến từ phía doanh nghiệp với khách hàng, doanh nghiệp với đối tác, mà nay là cả từ phía nhà đầu tư, cổ đông với doanh nghiệp.
Trong khi đó, các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm được xem như là những người đỡ đầu của startup – một mô hình kinh doanh non trẻ, không có gì ngoài ý tưởng và khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính truyền thống.
Bên cạnh nguồn lực về vốn, nhà đầu tư còn là những cố vấn, người đồng hành cùng startup trong quá trình khởi nghiệp. Cho nên, vai trò của họ trong startup đôi khi cũng không hề kém cạnh những người sáng lập, vì trên hết, các nhà đầu tư cũng phải nỗ lực để startup có thể phát triển, khi đó, dòng tiền đầu tư của họ mới có thể sinh sôi.
Thế nên, việc startup thiếu trách nhiệm trong việc quản lý dòng tiền của nhà đầu tư đã đáng trách, nhưng việc startup cố tình mập mờ trong báo cáo tài chính, hòng “hớt tay trên” những khoản lời, thì còn đáng lên án hơn nhiều.
Về phía VCCorp hay nhiều startup, doanh nghiệp có hành động gian dối, chắc chắn hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân lãnh đạo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Và cũng khó để có thêm quỹ đầu tư, đối tác nào can đảm xuống tiền cho những startup, nhà sáng lập có lịch sử như vậy.
Còn về phía các nhà đầu tư, có lẽ đã đến lúc nên mạnh tay hơn trong việc quản lý dòng tiền đổ về phía startup. Trong đó, những điều khoản về việc đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư sẽ phải chi tiết, cụ thể hơn trong hợp đồng hợp tác với startup.