Vụ Nerman từ chối đầu tư của Shark Bình: Đừng đẩy búa rìu về phía startup
(DNTO) - ‘Bùng kèo’, ‘đào mỏ’, ‘thiếu chuyên nghiệp’… là những từ nặng nề mà nhà đầu tư và ban tổ chức Shark Tank mùa 5 đang cố đẩy cho phía Nerman, khi startup này từ chối đầu tư vì cảm thấy chưa phù hợp. Nhưng dưới góc độ startup, quyết định từ chối này chưa phải là không hợp lý.
Shark cầm “đằng chuôi”
Cách đây 4 hôm, cộng đồng khởi nghiệp xôn xao vì thông tin Shark Nguyễn Hòa Bình tố Nerman (startup mỹ phẩm nam giới) “bùng kèo, đào mỏ”, sau khi nhận cái gật đầu rót vốn của nhà đầu tư này tại chương trình Shark Tank mùa 5.
Cụ thể, Nerman huy động 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần, trong đó 7% sẽ lấy từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập, và được cả Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Nguyễn Xuân Phú đồng ý.
Thế nhưng, ngay sau chương trình lên sóng, startup mỹ phẩm nam giới từ chối nhận thẩm định của phía Shark Bình, với lý do “thay đổi định hướng gọi vốn nên tạm thời không nhận vốn đầu tư tại thời điểm này”.
Phía Shark Bình “tố” Nerman “đào mỏ” khi lợi dụng chương trình để PR chứ không có ý định gọi vốn thực sự. Còn bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Shark Tank cho rằng phía Nerman thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng làm việc và chưa tôn trọng cam kết khi tham gia chương trình.
Về phía startup, Đặng Thanh Thịnh – một trong 3 nhà sáng lập Nerman bày tỏ, họ không cố tình lợi dụng chương trình để PR, vì nếu có, họ sẽ đưa ra một định giá “trên trời” để không shark nào chốt deal được.
Bên cạnh đó, dù từ chối Shark Bình nhưng Nerman cho biết vẫn đang làm việc với Shark Phú vì startup này hy vọng Shark Phú có thể hỗ trợ cho việc mở rộng kênh bán hàng offline thay vì chỉ "đánh" trên online.
Mặc dù lý luận đưa ra khá thuyết phục, nhưng dưới áp lực của truyền thông và những lời tố cáo của Shark Bình, ban tổ chức Shark Tank, nên ngay sau đó, Nerman đã phải ra thông báo xin lỗi nhà đầu tư và chương trình.
Đẩy startup cầm “đằng lưỡi”
Không chỉ với Nerman, nhiều startup khi lên sóng Shark Tank đang trong tâm thế phải “cầm đằng lưỡi” trong khi các shark “cầm đằng chuôi”.
Bởi không ít startup tiết lộ rằng, sau bể cá mập, kể cả họ có chuẩn bị tài liệu, số liệu, dữ liệu đầy đủ nhưng nhiều shark vẫn không mặn mà rót vốn. Điều đó cũng một phần được minh chứng qua tỷ lệ giải ngân cực thấp hậu Shark Tank mùa 4 (thực rót 21 tỷ đồng trong khi cam kết 200 tỷ đồng).
Các shark trong chương trình nên nhìn lại bản chất của việc rót vốn cho startup là một cuộc trao đổi, thương thảo hợp tác, không phải mang tính chất xin – cho. Shark bỏ tiền để mua cổ phần, mua cơ hội tăng trưởng của startup, cơ hội đó có thể x10, x100 lần nhưng cũng có thể về 0, đó là bản chất của đầu tư mạo hiểm. Còn startup muốn nhận tiền thì phải chấp nhận bán mất cổ phần của mình, thuận mua – vừa bán.
Trong quá trình Due diligence (thẩm định đầu tư), hay thậm chí trước đó, nếu một trong hai phía cảm thấy chưa phù hợp, có thể rút lui. Trường hợp của Nerman cũng vậy, từ chối Shark Bình nhưng vẫn làm việc với Shark Phú, ngay cả họ từ chối hết các nhà đầu tư, cũng hợp lý vì nhà đầu tư chưa xuống tiền.
Nhiều shark đưa ra lý do vài phút trên sóng truyền hình không đủ quyết định cho một thương vụ đầu tư, điều này đúng, và cũng đúng ở phía startup. Nhà đầu tư cần thời gian thẩm định startup và startup cũng cần thời gian thẩm định nhà đầu tư.
Nguồn vốn được xem là dòng máu của startup, họ cần nguồn vốn để hoạt động và tăng trưởng, nhưng cũng không phải dễ dàng nhận vốn bằng mọi giá. Bởi thực tế, ngay cả khi đã rót vốn, chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa nhà đầu tư và startup không phải là hiếm. Vì dù quá trình due diligence (thẩm định) rất kỹ lưỡng, việc chọn sai vẫn có thể xảy ra. Và sau mỗi cuộc chia tay vì lý do lục đục nội bộ này, là đau thương không đong đếm được của cả nhà đầu tư và startup.
Vậy, nếu startup có thể “đánh hơi” được sự không phù hợp ngay từ đầu, tại sao không thể từ chối nhà đầu tư để tránh đau thương. Và vì sao shark cho mình quyền được từ chối startup, nhưng lại bất mãn khi startup từ chối mình?
Nên, việc các shark và ban tổ chức Shark Tank đẩy lỗi về phía startup là quá nặng nề. Còn về phía Nerman, lỗi sai của startup này là thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống với nhà đầu tư. Nếu Nerman nhanh chóng ngồi đàm phán thẳng thắn với Shark Bình, thay vì chậm chạp nộp tài liệu thẩm định, có lẽ câu chuyện không bị đẩy đi quá xa. Sau sự việc này, không chỉ Nerman mà nhiều startup và nhà đầu tư có thêm bài học ứng xử trong quá trình thương thảo gọi vốn.