'Căn bệnh' cố hữu của startup nhìn từ tỉ lệ giải ngân cực thấp hậu Shark Tank mùa 4
(DNTO) - Cam kết đầu tư 200 tỷ, nhưng các “cá mập” Shark Tank Việt Nam mùa 4 chỉ thực rót hơn 21 tỷ đồng. Nguyên nhân vẫn là căn bệnh cố hữu của startup như số liệu tài chính không khớp, phương án kinh doanh không đạt yêu cầu, thiếu tài liệu thẩm định…
Startup Việt bao giờ mới ‘lớn’?
Một thống kê mới đây của Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam đã cho thấy một con số không mấy tích cực.
Đó là sau hơn 9 tháng Shark Tank Việt Nam mùa 4 công chiếu tập cuối (ngày 15/8/2021), hiện chỉ có 4 startup được rót vốn, gồm Vua Cua (Shark Liên), Coolmate (Shark Bình), BluSaigon (Shark Việt), và AnHome (Shark Phú), với tổng vốn thực rót hơn 21,3 tỷ đồng. Trong khi đó, cam kết rót vốn ngay sau chương trình là hơn 200 tỷ đồng, cho 35 startup.
Mặc dù hiện vẫn còn một số startup vẫn đang trong quá trình thẩm định như Global Star 3D (Shark Hưng), WiiBike (Shark Phú)… tuy vậy, tỉ lệ thương vụ đầu tư thành công so với cam kết trên sóng vẫn còn rất nhỏ.
Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam cũng chỉ ra 5 lý do khiến các thương vụ đổ bể. Trong đó, ngoài hai lý do khách quan là startup chủ động xin rút lui hoặc startup thay đổi, tạm dừng dự án; thì 4 lý do còn lại vẫn là căn bệnh cố hữu của startup như không chuẩn bị đủ tài liệu thẩm định theo đúng thời hạn, có số liệu tài chính không khớp so với trình bày, phương án kinh doanh, kế hoạch tài chính và sử dụng vốn không đạt yêu cầu.
Nhìn ở góc độ tích cực, một vòng đời của startup sẽ trải qua rất nhiều vòng gọi vốn, và không phải lần nào cũng thành công, đặc biệt ở giai đoạn đầu, sản phẩm còn sơ khai, doanh thu và lợi nhuận còn mỏng. Vì vậy, cái bắt tay giữa startup và các Shark trên truyền hình chỉ là bắt đầu của một cuộc tìm hiểu, để startup có thêm cơ hội thực chiến khi gọi vốn.
Nhưng nếu nhìn ở góc độ ngược lại, thì startup Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu về kĩ năng khi đối diện với các nhà đầu tư. Bởi lẽ, sau 6 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam hiện đã có khoảng hơn 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước; 3.800 startup cùng 4 “kỳ lân” (startup tỷ đô), được đánh giá là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp năng động hàng đầu khu vực.
Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ (NATIF, NATEC, NSSC, NIC, VINEN), nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Vietnam Venture Summit, Techfest, Startup Wheel, Vietnam Startup Day, Startup Kite…
Nếu đi vào cụ thể, trong nhiều năm nay, từ khi hệ sinh thái khởi nghiệp được xây dựng, các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục đăng tải bài học về khởi nghiệp, kinh nghiệm gọi vốn, thu hút đầu tư… Ngoài ra, các quỹ đầu tư, tổ chức vườn ươm hàng năm đều có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp với mạng lưới cố vấn, chuyên gia kỳ cựu trong ngành. Vì vậy, việc startup vẫn mắc những lỗi cơ bản khi tham gia gọi vốn, là rất đáng buồn.
Đừng để ‘nước đến chân mới nhảy’
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc cấp cao tư vấn tài chính tại Deloitte Việt Nam, người từng tham gia vào nhiều thương vụ rót vốn cho các kỳ lân cũng như thương vụ M&A trong thị trường khởi nghiệp, cho biết, một công ty startup giai đoạn sớm thường có rất ít số liệu tài chính. Khi thẩm định tài chính cho startup này, các đơn vị kiểm toán thường tập trung xác định các KPI tài chính phù hợp nhất với quy mô của startup đó. Sau đó, phải so sánh với startup tương tự trong khu vực và trên thế giới, bởi tài chính phải phù hợp với quy mô của startup.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, khi xây dựng mô hình kinh doanh, startup thường ít chú trọng đến việc xây dựng quy mô tài chính song hành. Giai đoạn bắt đầu bước vào vòng gọi vốn, startup tăng trưởng rất nhanh, startup gọi vốn liên tục chỉ sau 12-24 tháng. Lúc này, việc thẩm định tài chính quan trọng và chi tiết hơn rất nhiều bởi các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến việc mô hình kinh doanh startup mang lại lợi nhuận gì cho họ.
“Kể cả hiện tại startup đang âm nhưng phải có kế hoạch rõ ràng về lộ trình phát triển và tăng trưởng. Do vậy, dữ liệu tài chính phải vô cùng chi tiết và minh bạch hết mức có thể. Ví dụ gọi vốn trong vòng 24 tháng, thì startup phải có kế hoạch sử dụng nguồn vốn chi tiết theo từng quý, vì có thể các quỹ đầu tư sẽ rà soát nguồn doanh thu, khách hàng của startup có đúng hay không. Thế nhưng đây là những việc mà nhiều startup khi xây dựng hệ thống tài chính chưa chú trọng lắm, dẫn đến dữ liệu tài chính không đầy đủ, khiến các quỹ khó xác minh được số liệu, độ tin tưởng vào startup giảm đi”, bà Hoa cho hay.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư tại Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) cũng khuyến nghị các startup nên chuẩn bị tài liệu chi tiết, thể hiện dữ liệu rõ ràng để nhà đầu tư có thể đọc, thay vì nghe startup thuyết trình. Ngoài ra, các nhà sáng lập cần nắm được các con số, mục tiêu của startup, vì nếu startup trả lời được các câu hỏi của nhà đầu tư thì lúc đó sẽ bị đánh giá là chưa đặt tâm huyết hoặc thiếu nỗ lực và nghiêm túc với mục tiêu.
“Startup nên theo sát các quỹ bằng việc chủ động gửi tài liệu sớm đến các quỹ. Lúc này, các quỹ có thời gian nghiên cứu sâu hơn, đặt ra câu hỏi chi tiết để tìm hiểu startup, thay vì đến buổi thuyết trình chỉ nghe startup trình bày”, bà Kim Dung khuyến nghị.