Mối lương duyên kỳ lạ từ cuộc gặp bị ‘ép buộc’ giữa Cam Vinh Kỳ Yến và nhà đầu tư
(DNTO) - Cho rằng mình không cần đến vốn, Cam Vinh Kỳ Yến không mấy mặn mà gặp các nhà đầu tư. Thế nhưng, câu chuyện hoàn toàn thay đổi khi startup tiếp cận với "cá mập".
‘Quỹ có gì mà đòi 10% cổ phần của công ty’
Từ một nhà buôn cam manh mún kiểu gia đình, Cam Vinh Kỳ Yến hiện nay đã đặt chân vào hơn 50 siêu thị, cửa hàng tại các thành phố lớn cũng như cung ứng cho nhiều doanh nghiệp chế biến lớn trong nước.
Vùng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của doanh nghiệp hiện lên tới 10ha. Các sản phẩm chế biến từ cam như vỏ cam sấy dẻo, tinh dầu cam đã đặt chân tới Hà Lan vào năm 2018. Cuối năm 2021, sản phẩm Cam Vinh Kỳ Yến đã có đăng ký mã số của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mở cơ hội đi ra thị trường quốc tế.
Thế nhưng, hành trình thay đổi tư duy startup không chỉ đến từ chính nhà sáng lập, mà cần nhiều nhân tố tác động, trong đó không ai khác chính là những vị cố vấn tâm huyết.
Nguyễn Thị Lê Na, Nhà sáng lập Cam Vinh Kỳ Yến kể trong buổi tọa đàm về thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội, do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU tổ chức hôm 4/8 rằng, năm 2013 khi trở về gia đình để hỗ trợ việc phát triển vùng cam, cô không hề nghĩ đến việc khởi nghiệp. Do chưa có kiến thức chuyên môn, Cam Vinh Kỳ Yến sản xuất ra cũng vẫn chỉ đem bán thông thường giống như rất nhiều đơn vị khác.
Bước ngoặt phải kể đến là khi Cam Vinh Kỳ Yến được Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An giới thiệu tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây, Lê Na chia sẻ rằng mình thực sự bị “ép” đi thi chứ hầu như không hứng thú gì vì lúc đó việc kinh doanh cam vẫn thuận lợi. Chính tâm thế “bị ép” như vậy khiến cuộc gặp gỡ giữa startup và nhà đầu tư trở nên thú vị.
Chia sẻ về lần gặp gỡ đầu tiên với Lê Na tại cuộc thi, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) bà Thạch Lê Anh kể:
“Lê Na đến gặp tôi và hỏi thẳng: ‘Cô giúp gì được cháu. Nếu gọi vốn thì cháu tự gọi được (lúc đó bạn đã gọi được 3-4 tỷ đồng), về kinh nghiệm trồng cam thì cô không bằng cháu, bán cam thì càng không bằng, mà cô lại đòi 10% cổ phần trong công ty của cháu”. Tất cả các chuyên gia khác không thích câu hỏi này vì startup đến với VSV rất khó, Cam Vinh Kỳ Yến hoàn toàn được đặc cách từ 200 hồ sơ để vào top 15 công ty được phỏng vấn vì mỗi năm chúng tôi chỉ đầu tư cho khoảng 10 công ty.
Nhưng lúc đó tôi lại thấy bình thường, bởi với đặc sản Cam Vinh, tôi không quan tâm nó thuộc công ty nào vì nó gợi lại cho tôi nỗi nhớ về tuổi thơ trong một gia đình nhà giáo, mỗi dịp 20/11, cam trải khắp gầm giường, hồi đó cam rất ngon. Khi Sở KHCN Nghệ An giới thiệu Cam Vinh Kỳ Yến, nó đánh thức trong tôi nỗi nhớ đó”, bà Thạch Lê Anh chia sẻ.
Và cuộc trò chuyện giữa hai nhà sáng lập, một nhà sáng lập startup, một nhà sáng lập của quỹ đầu tư kéo dài tới 10g đêm. Vị “cá mập” rất ấn tượng với founder có cá tính mạnh, thẳng thắn khi đàm phán. Để giải tỏa cho startup chuyện phân chia cổ phần, vị “cá mập” đưa ra thời hạn 1 tháng, nếu Quỹ không hỗ trợ được gì cho startup sẽ không lấy cổ phần. Khi về, Lê Na để lại cho bà Thạch Lê Anh tập tài liệu dầy cộp gồm chi chít các con số liên quan đến doanh nghiệp của mình.
“Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu người ta không cần mình thì người ta không ở đến giờ đó. Họ thuyết phục tôi như vậy. Sau đó, Lê Na bắt đầu đến học. Học ở đây không chỉ là kiến thức về kinh doanh vì họ có thể dễ dàng tìm tài liệu trên mạng. Ở đây chúng tôi có những chuyên gia kinh doanh, có thể khơi gợi cho bạn những tiềm năng mà bạn không biết”, bà Thạch Lê Anh nói.
‘Lột xác’ nhờ nghĩ khác
Sau bốn tháng làm việc với các chuyên gia, cố vấn và quỹ đầu tư, Lê Na đã có bước thay đổi tư duy ngoạn mục. Cô gái trẻ biết rằng muốn làm lớn không thể đi một mình, không thể “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần chủ động thay đổi bản thân và doanh nghiệp để thu hút nhiều người, nhiều thành phần cùng tham gia.
Thay vì chỉ đi bán cam và các sản phẩm chế biến từ cam, Cam Vinh Kỳ Yến thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng trồng cam sinh thái, liên kết các hộ nông dân để xây dựng Làng cam sinh thái 500ha ở Nghệ An.
“Chính thời điểm được sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia kinh doanh, từ một người ‘buôn thúng bán mẹt’, chúng tôi được tiếp cận tư duy startup không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Thung lũng Silicon (Mỹ), sau đó là tiếp cận đến doanh nghiệp xã hội và nay là doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Nó đã cho mình thay đổi tư duy, ban đầu là làm cho gia đình, hiện nay làm cả cộng đồng và thấy được sức bật tăng lên”, Lê Na chia sẻ.
Thực tế, trong quá trình kết đôi giữa startup và nhà đầu tư, cố vấn, không hiếm những câu chuyện thú vị, có những mối lương duyên thành công, đạt trái ngọt, nhưng cũng không ít những cuộc chia tay đầy đau đớn.
Hỗ trợ, đầu tư cho startup vốn là một lĩnh vực khó, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội còn khó hơn nhiều vì đa phần họ đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu và yếu rất nhiều thứ từ vốn, kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng, thậm chí cả những tư duy lạc hậu.
Do đó, TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết đơn vị này đang hướng tới tạo ra cộng đồng đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Muốn vậy, bản thân các chuyên gia, cố vấn cho đến quỹ đầu tư cũng phải là những người mang trong mình trách nhiệm với xã hội, không đặt nặng yếu tố tài chính.