Chiếc ly nhựa tại The Coffee House và chuyện được - mất khi chọn lợi nhuận tức thì
(DNTO) - Chuỗi cà phê với hơn 150 cửa hàng trên cả nước đã quyết định thay cốc thủy tinh bằng ly giấy, ly nhựa - hướng đi được cho là phù hợp với một doanh nghiệp đang lỗ chồng lỗ. Nhưng sự thay đổi này có thể sẽ phải trả một cái giá không nhỏ khi ngược với xu thế.
Khi sự khác biệt bị hòa tan
Một trong những sự khác biệt của The Coffee House so với các đối thủ đã không còn khi chuỗi này vừa quyết định phục vụ thức uống bằng ly giấy, ly nhựa thay vì ly thủy tinh như trước.
Các chuyên gia trong ngành F&B cho biết, mặc dù chi phí cho ly giấy tốn kém hơn ly thủy tinh, nhưng khâu vận hành (quản lý, khấu hao, chống gian lận…) đơn giản hơn. Và nếu đặt lên bàn cân thì việc lựa chọn ly giấy, ly nhựa tối ưu chi phí quản trị cho các chuỗi F&B.
Đó cũng là lý do vì sao hiện nhiều “ông lớn” khác trong ngành như Highlands Coffee, Starbucks, Phúc Long… vẫn ưu tiên dùng loại ly này. Do đó, sự thay đổi này được cho là phù hợp với doanh nghiệp đang lỗ chồng lỗ kể từ khi đại dịch Covid-19 như The Coffee House.
Thế nhưng, khi cả thế giới đang chuyển sang xu hướng tiêu dùng bền vững, thì hành động thay ly thủy tinh bằng ly giấy có thể khiến chuỗi mất điểm với khách hàng.
Tôi có một chị bạn, là một người trẻ quan tâm đến môi trường. Chị thà nhịn khát, phi xe hơn chục km về nhà uống nước thay vì rẽ vào một quán nào đó mua đồ uống, chỉ vì “không muốn tiêu thụ thêm cốc nhựa”.
Mỗi lần đi uống nước, chị đều yêu cầu nhân viên quán phải đổi sang cốc thủy tinh, không phục vụ ống hút và thìa nhựa. Và chị sẽ cảm thấy rất bực bội nếu nhân viên cố tình phớt lờ yêu cầu, tiếp tục phục vụ bằng đồ dùng một lần.
Chị bạn tôi chỉ là một trong hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng từ chối các sản phẩm gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.
Khảo sát về Thói quen tiêu dùng của PwC năm 2021 cho thấy, hơn 47% người tham gia khảo sát lựa chọn các sản phẩm có thể phân hủy sinh học. Trước đó, năm 2020, số liệu thống kê của Nielsen chỉ ra 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Thế nên, lo ngại về việc The Coffee House sẽ làm phật lòng một nhóm khách hàng trung thành– những người trẻ quan tâm đến môi trường mà ngay từ đầu chuỗi này hướng đến phục vụ, là hoàn toàn có thể xảy ra; mặc dù chuỗi vẫn chừa đường lui cho mình, đó là vẫn giữ lại một phần ly thủy tinh phục vụ tại quán, nếu khách hàng có yêu cầu.
Mất nhiều hơn được
Nhưng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc chuỗi này có thể mất đi một lượng khách hàng, mà có thể sẽ bị đẩy xa hơn, là mất điểm trước các nhà đầu tư.
Về phía The Coffee House, với tình hình tài chính khó khăn như hiện tại, chuỗi vẫn cần tiếp tục “bơm máu”. Trong khi đó, “nguồn máu” từ công ty mẹ là Seedcom cũng đang hẹp lại khi đơn vị này liên tục lỗ, vốn chủ sở hữu năm ngoái giảm gần 95% so với năm 2020, còn hơn 21 tỷ đồng và gần 1.480 tỷ đồng nợ phải trả. Vì vậy, nhu cầu tiếp tục huy động vốn cho The Coffee House trong ngắn hạn là rất cần thiết.
Thế nhưng, các quỹ đầu tư trên thế giới hiện đang đã quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí Impact (tạo tác động), và đã áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (đo lường yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, tác động doanh nghiệp tới cộng đồng), ngoài khả năng tăng trưởng lợi nhuận của startup.
Một khảo sát năm 2020 của GIIN với 294 tổ chức và cá nhân thực hiện đầu tư tác động cũng cho thấy, 86% khoản đầu tư của các tổ chức tài chính phát triển (DFIs) là đầu tư tác động, 14% còn lại là bao gồm cả hai loại đầu tư tác động và đầu tư thông thường. Với tổ chức tài chính đa dạng và các quỹ hưu trí, 100% kết hợp cả đầu tư tác động và đầu tư thông thường.
Hay Khảo sát ESG về nhà đầu tư toàn cầu của PwC năm 2021 với 325 nhà đầu tư cho thấy, 79% cho biết phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty và 49% sẵn sàng rút vốn khỏi các công ty không thực hiện trách nhiệm của họ về ESG.
Do đó, hành động thay ly thủy tinh bằng ly nhựa của The Coffee House là đi ngược với xu hướng đầu tư tác động hiện nay và có thể khiến cửa gọi vốn của doanh nghiệp này hẹp lại.
Thực tế, việc cân bằng giữa lợi nhuận và tác động tới môi trường vốn không chỉ là riêng câu chuyện của The Coffee House. Đã rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hướng tới phát triển bền vững giúp doanh nghiệp nhận được nhiều giá trị, kể cả lợi nhuận. Tuy vậy, để giải quyết vấn đề tài chính cấp bách trước mắt hoặc do yêu cầu của thị trường Việt Nam đối với ESG chưa quá khắt khe, nên không ít doanh nghiệp vẫn cố tình phớt tờ điều này.
Hiện còn quá sớm để phỏng đoán The Coffee House có khả năng lật ngược tình thế hay không, nhưng động thái thay đổi chất liệu ly của chuỗi đã thấy rõ đích đến của các doanh nghiệp trước hết vẫn là lợi nhuận. Trong trường hợp này, nếu lợi nhuận của chuỗi càng lớn, tức lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm đựng trong ly nhựa càng nhiều, thì tác động tiêu cực với môi trường càng nặng thêm.
Thế nhưng, không chỉ ở phía doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Vì họ có quyền lựa chọn hoặc từ chối sản phẩm gây tác động về môi trường. Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thay đổi sẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi.