Quỹ đầu tư mạo hiểm chuyển hướng về startup ‘xanh’
(DNTO) - Không chỉ ‘săn’ các startup tăng trưởng thần tốc, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đang chuyển hướng tới startup ‘xanh’ để đón đầu xu thế của thế giới.
Dat Bike, startup xe máy điện Việt Nam hiện đã huy động tổng cộng 10 triệu USD sau các vòng gọi vốn, chỉ sau 3 năm ra mắt.
Với nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng trên thế giới để giảm thiểu phát thải ra môi trường, sự thành công của Dat Bike là hoàn toàn dễ hiểu, khi startup này đã đón đầu xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, mà sự thành công nhìn thấy rõ nhất là hãng xe điện Tesla.
Một làn sóng đầu tư cho các startup “xanh” đang ngày càng hiện rõ khi hàng loạt các quỹ đầu tư mạo hiểm “xanh” ra đời, cùng việc chuyển hướng của các quỹ đầu tư từ các startup truyền thống sang các startup xanh.
“Hơn 75% nhà đầu tư toàn cầu chú ý vào các doanh nghiệp tập trung vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị tổ chức). Do vậy, các startup xanh đang là xu hướng được ưu tiên đầu tư với các nhà đầu tư toàn cầu”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội (Techfest Việt Nam), cho hay.
Chính Phủ hiện đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, với mục tiêu “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”.
Có thể thấy, Việt Nam, một nước đang phát triển cũng rất quan tâm đến vấn đề “xanh”. Không chỉ thể hiện qua các cam kết của Chính phủ, mà còn thể hiện ở sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, startup trong việc ứng dụng nhiều công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu.
Bóng dáng của các startup “xanh”, dù chưa nhiều nhưng đã thấp thoáng tại nhiều lĩnh vực, như công nghệ nông nghiệp có Fargreen ( tận dụng rác thải nông nghiệp để phát triển nông nghiệp); ngành hàng tiêu dùng có Equo (startup cung cấp bao bì, ống hút, dụng cụ ăn uống từ mía, cà phê, dừa); phương tiện di chuyển có Dat bike, HayBike (xe đạp trợ lực điện); xử lý chất thải có Grac, Veca, Ralaya, Vucico; lĩnh vực năng lượng có LC, Blue Boson, SolarTek…; thức ăn có Cricket One (nuôi dế thay thế protein); lĩnh vực chuỗi cung ứng có Hyyh…
Các startup “xanh” hầu hết đều nhận được sự chú ý trong các cuộc thi khởi nghiệp, bước đầu nhận được dòng vốn triệu USD từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Ben Mandiak – Trưởng đại diện CETA Consulting tại Hà Nội, cũng cho rằng khởi nghiệp xanh là xu thế của xã hội và startup trong 10-15 năm nữa. Vì là xu hướng nên có rất nhiều thông tin, nhà khoa học đang nghiên cứu, tìm tòi xu hướng này, và đây là cơ hội lớn cho startup Việt.
“Startup Việt Nam có thể tìm hiểu các xu hướng ở nước ngoài để áp dụng cùng lĩnh vực, cùng vấn đề ở Việt Nam. Đây hướng đi startup hoàn toàn có thể tự tin vì khởi nghiệp xanh là hướng đi tất yếu trên thế giới”, ông Ben Mandiak nhấn mạnh.
Tạp chí dành cho doanh nhân và startup Hive Life mới đây cũng chỉ ra 5 xu hướng khởi nghiệp trong năm 2022. Một trong 5 xu hướng đó là thực hiện các sáng kiến xanh. Đây là cách startup xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng. “Startup mới không nhất thiết chỉ phục vụ khách hàng ở trong nước hay khu vực, mà việc sử dụng hình ảnh xanh cũng có thể thu hút đối tác và các nhà đầu tư trên khắp thế giới”, tạp chí Hive Life nhận định.
Mới đây, doanh nhân tỷ phú Mỹ Larry Fink dự báo, 1.000 “kỳ lân” tương lai (startup giá trị hơn 1 tỷ USD), sẽ thuộc về lĩnh vực năng lượng xanh, giúp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch với giá “mềm”, chứ không phải nhóm startup công cụ tìm kiếm hay công ty truyền thông xã hội.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn yêu thích các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng chục, hàng trăm % mỗi năm, tuy nhiên, xu hướng đầu tư đang dần dịch chuyển sang các startup xanh, tuy tăng trưởng không nhanh nhưng lại có tốc độ tăng trưởng bền vững. Vì vậy, các startup sớm bước chân vào cuộc chơi này sẽ nhanh chóng có khả năng trở thành “kỳ lân” đầu tiên trong ngành.