Khi Big 4 bước một chân vào thị trường khởi nghiệp
(DNTO) - 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đang chuyển hướng danh mục đầu tư của mình từ các ngành nghề truyền thống sang startup, dự kiến sẽ thổi thêm làn gió mới cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Chia trứng thành nhiều giỏ
Một lĩnh vực khá mạo hiểm nhưng cũng đầu tiềm năng là khởi nghiệp đang được 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới là Pricewaterhouse Cooper (Pwc), Deloitte, Ernst and Young (EY), KPMG nhắm đến.
Động thái của EY mới đây đã cho thấy rõ nhất điều này. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 7, vườn ươm EY Foundry của hãng kiểm toán này sẽ tiếp tục thực hiện ươm tạo 16 startup giai đoạn đầu. Các startup sẽ nhận được 150.000 USD để phát triển nền tảng công nghệ, đồng thời được hỗ trợ tiếp cận với các chuyên gia, cố vấn.
Đáng chú ý, trong đợt ươm tạo này của EY Foundry, Bizzi – một startup Việt Nam cung cấp giải pháp xử lý hóa đơn tự động bằng trí tuệ nhân tạo, cũng được lựa chọn.
Một thành viên khác trong Big 4 là KPMG cũng đang có hành động tương tự. Một báo cáo của hãng cho thấy, mặc dù tài chính ngân hàng, ngành tiêu dùng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn các thương vụ M&A ở Việt Nam, nhưng gần đây, công nghệ đã trở thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh chứng là số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ đã tăng từ 22 năm 2020 lên 42 năm 2021, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Điển hình là một số thương vụ gọi vốn của Tiki, Sky Mavis, MoMo…
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Văn phòng KPMG Hà Nội, kiêm Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam cho biết, họ quan tâm đến công ty khởi nghiệp Việt Nam vì dàn lãnh đạo trẻ, có tinh thần tiếp thu và khả năng thay đổi linh hoạt trước những biến động.
“Trên thị trường rất nhiều công ty khi đạt đến mức độ nào đó không thể lớn được nữa vì họ không quan tâm đến vấn đề quản trị. Rất may mắn là thường các bạn trẻ quan tâm đến quản trị nhiều hơn. Chúng tôi sẽ quan tâm đến công ty như thế vì những người đó kể cả có thất bại nhưng khi họ làm cái mới thì tốt hơn rất nhiều”, bà Hà cho hay.
Deloite mới đây cũng bắt tay với quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam là ThinkZone Ventures để phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đánh giá về xu hướng các Big 4 bước chân vào thị trường khởi nghiệp, ông Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone Ventures cho hay:
“Trước đây, Big 4 không mấy khi quan tâm tới các thương vụ nhỏ như vậy nhưng giờ đã bắt đầu quan tâm. Mặc dù dù các thương vụ vẫn chưa hấp dẫn họ lắm nhưng Big 4 đã đang từng bước đặt một chân vào thị trường này và bắt đầu tìm hiểu về các mô hình startup. Hiện các thương vụ mà chúng tôi đầu tư đều có thẩm định của Big 4”.
Ngã rẽ hợp thời
Việc “chia trứng thành nhiều giỏ”, tức chia khoản tiền đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nhau để giảm thiểu rủi ro vốn không còn xa lạ với giới đầu tư tài chính. Và đương nhiên, họ cũng hiểu rằng, nơi nào rủi ro cao thì đồng nghĩa với cơ hội cũng lớn. Do đó, việc các Big 4 thường chuyển từ đầu tư những lĩnh vực truyền thống sang đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam là một điều dễ hiểu.
Bởi tổng giá trị nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD, tăng 31% và dự kiến đạt 57 triệu USD vào năm 2025, theo Google. Đây là tốc độ tăng trưởng chóng mặt và đóng góp vào sự tăng trưởng đó là các startup đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế internet.
Ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB, cho biết, rất nhiều bài học từ các tập đoàn lớn trên thế giới đã cho thấy, cơ hội đầu tư cho startup chỉ đến một lần.
“Đó là lý do vì sao trước đây Google năn nỉ Microsoft mua lại nhưng họ không mua, đến nay Google đã vượt qua Microsoft. Nếu các quỹ đầu tư mạo hiểm đánh hơi thấy các công ty công nghệ, họ sẽ hốt luôn, ‘thà giết nhầm còn hơn bỏ sót’. Cứ 100 startup chỉ cần 1 startup thắng là cũng có thể gỡ đủ”, ông Mã Thanh Danh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đầu tư khởi nghiệp là một lĩnh vực nhiều tiềm năng, bà Thạch Lê Anh, CEO Vietnam Silicon Valley cho biết, việc đầu tư cho statup giai đoạn sớm tuy rủi ro nhưng là đầu tư thông minh và sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư nếu công ty đó có khả năng phát triển và tăng trưởng hàng chục, hàng trăm lần.
“Khi thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam được kích hoạt, chỉ có phát triển rất nhanh và nhanh chứ nó sẽ không bao giờ dừng lại, đó là xu thế phát triển tất yếu”, bà Thạch Lê Anh nói.
Với thị trường khởi nghiệp Việt Nam, việc có thêm Big 4 gia nhập được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ triệu đô trong thời gian tới. Đặc biệt với Big 4, họ không chỉ có tiềm lực tài chính mà còn có cả kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, có thể hỗ trợ tối đa startup còn non trẻ tại thị trường Việt Nam.