Quỹ đầu tư mạo hiểm ra quân rầm rộ ‘săn’ startup
(DNTO) - Mở tới hai văn phòng tại Việt Nam hay huy động nhiều đợt vốn mới, các “cá mập” đang tăng cường sức ảnh hưởng để thâu tóm nhiều startup tiềm năng.
Thêm nhiều startup vào “tầm ngắm”
Ascend Vietnam Ventures (AVV) – một trong những quỹ đầu tư đứng sau sự thành công của Sky Mavis (kỳ lân game NFT) và nhiều startup Việt khác, vừa thông báo tiếp tục gây quỹ trên 50 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Trong 9 tháng vừa qua, AVV đã rót vốn vào 10 startup Việt và dự tính tới cuối năm 2023 sẽ tiếp tục đầu tư cho 25 startup ở giai đoạn hạt giống, với mức đầu tư lên tới 2 triệu USD và 5 triệu USD ở các vòng gọi vốn tiếp theo.
Ông Bình Trần, General Partner của Ascend Vietnam Ventures cho rằng Việt Nam là môi trường thử nghiệm hoàn hảo tại châu Á. Bởi người dân thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và mua sắm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tăng cường hoạt động online như thu hút khách hàng, tự động hoá quy trình chăm sóc khách hàng, tăng doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là cơ hội cho startup Việt có thể phát triển dịch vụ để phục vụ các nhu cầu này.
Mới đây, Golden Gate Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào khu vực Đông Nam Á, cho biết sẽ mở hai văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội. Tham vọng của quỹ này là gia tăng sức ảnh hưởng tại Việt Nam để săn các startup Việt giàu tiềm năng, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm đang chảy về khu vực Đông Nam Á, bên cạnh thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Sau 10 năm ra mắt, Golden Gate Ventures đã thành lập tổng cộng 4 quỹ, tổng giá trị hơn 250 triệu USD và rót vốn vào hơn 60 công ty. Tại Việt Nam, có 7 startup đã được quỹ này rót vốn, gồm Coda Payments, Mio, Wifi Chùa, Loship, Vuiapp.vn, Appota, Baokim.vn.
Hay Genesia Ventures, quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, cũng tích cực tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới nổi là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản chậm lại. Genesia Ventures hiện đang đầu tư cho 75 công ty, trong đó có một số startup Việt Nam như: Kamereo, Luxstay, Homedy, eDoctor, Mannabie, Vietcetera.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư Quỹ đầu tư Genesia Ventures tại Việt Nam cho biết, tất cả các quỹ đầu tư hiện đang rất nỗ lực để tiếp cận với các startup. Bản thân bà Dung mỗi buổi sáng đều cặm cụi viết bài, đăng lên blog cá nhân để chia sẻ kiến thức khởi nghiệp cho các founder, đồng thời cũng là “điểm chạm” với các startup.
“Thậm chí nhiều quỹ đầu tư, kể cả các quỹ lớn trên thế giới rất chú trọng làm thương hiệu, tăng cường truyền thông hay có những bộ phận chuyên sản xuất nội dung để tăng cường tiếp cận startup”, bà Dung cho hay.
Khó vẫn khó, dễ vẫn dễ
Trong bối cảnh nhiều quỹ đầu tư chuyển tầm ngắm về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, startup Việt có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Tuy vậy, một làn sóng cắt giảm nhân sự đang lan rộng trong các startup công nghệ trên thế giới, khiến nhiều người lo ngại về “bữa tiệc tàn” với giới công nghệ. Trong “bữa tiệc tàn” đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên khắt khe hơn khi lựa chọn “món ăn”.
Thế nhưng, bất chấp những lo ngại đó, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam vẫn được dự báo sẽ đạt 2 tỷ USD trong năm 2022. Thực tế cũng cho thấy, nhiều startup có sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh tốt vẫn có thể trụ vững, huy động được nguồn vốn khủng.
Điển hình như OnPoin, startup cung cấp giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử, vừa huy động được 50 triệu USD từ SeaTown Holdings (Singapore). Đây có thể xem là thương vụ gọi vốn lớn nhất ở Đông Nam Á, tính đến hiện tại, trong mảng dịch vụ hỗ trợ.
Hay True Platform - phần mềm hỗ trợ quản lý, vận hành của doanh nghiệp đã huy động 3,5 triệu USD vốn đầu tư từ vòng hạt giống, từ nhiều quỹ đầu tư danh tiếng và các nhà đầu tư thiên thần. Đây cũng là thương vụ rót vốn vòng hạt giống thuộc diện lớn Đông Nam Á vào một startup công nghệ.
Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn và điều hành startup qua giai đoạn khó khăn của thị trường, ông Huỳnh Hữu Trung, sáng lập Mio (nền tảng thương mại điện tử vùng nông thôn, gọi được 8 triệu USD vòng series A hồi đầu năm), cho biết: “Các startup phải nhớ nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng công ty chứ không phải nhà đầu tư. Vì vậy hãy tập trung vào những gì chúng ta tin, hiểu, khi đó sẽ bán được ý tưởng. Một founder quan trọng nhất là làm cho công ty có thể sống được và làm sao để chúng ta có thể tập trung, giúp công ty định hình, phát triển trong giai đoạn đầu tiên. Khi thị trường thay đổi, chúng ta có nguồn lực để phát triển dài hơi hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Có thể thấy, thị trường luôn tồn tại thời cơ và thách thức. Ở giai đoạn cao trào, dòng vốn mạo hiểm dồi dào, startup có thể có nhiều cơ hội. Nhưng ở giai đoạn dòng vốn mạo hiểm thận trọng hơn, startup nếu chứng minh được mô hình kinh doanh tốt vẫn có thể đón cơ hội. Do vậy, bản chất vẫn là năng lực nội tại của startup và sự giảm sút nguồn vốn đầu tư không ảnh hưởng nhiều tới việc tồn tại nếu startup có đủ năng lực.