Thêm 14 kỳ lân trong quý đầu năm: Vườn ươm khởi nghiệp của Ấn Độ có gì đặc biệt?
(DNTO) - Kỳ vọng 100 startup “kỳ lân” trong năm 2022 không phải là quá xa vời với Ấn Độ khi trong 20 năm qua, các vườn ươm được hình thành và có hoạt động vô cùng chuyên nghiệp hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Việt Nam hiện mới chỉ có 4 “kỳ lân” là VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis, nhưng chỉ trong quý 1/2022, Ấn Độ có thêm 14 kỳ lân mới.
Trong năm 2021, Ấn Độ đã có thêm 33 kỳ lân mới, đưa tổng số thành viên trong câu lạc bộ startup tỷ đô lên 54, xếp thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc (theo Hurun).
Năm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ vẫn rất nhộn nhịp và được giới chuyên gia dự báo sẽ đạt kỷ lục về số lượng startup kỳ lân (khoảng 100 kỳ lân mới).
Thành công của thị trường khởi nghiệp Ấn Độ đến từ nhiều trợ lực, tuy nhiên, không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các vườn ươm.
Trong vòng 20 năm, (2000-2020), Ấn Độ dồn lực phát triển các vườn ươm, gia tốc khởi nghiệp trên khắp cả nước. Đến 2019, Ấn Độ có 284 cơ sở ươm tạo, 90% trong số đó thành lập sau năm 2000 (theo IIM Ahmedabad).
Vườn ươm quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, hỗ trợ startup, đặc biệt là startup ở thành phố cấp 2, cấp 3, nơi nguồn lực bị hạn chế, có thể phát triển mô hình kinh doanh phù hợp và đưa ra sản phẩm dịch vụ đúng “điểm rơi” của thị trường.
Tại các vườn ươm Ấn Độ, startup không chỉ được hỗ trợ bởi người cố vấn, mà còn được tiếp cận với mạng lưới hàng trăm chuyên gia. Khi startup tiếp cận mạng lưới này, cơ hội về nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm, hợp tác… sẽ mở ra, nhờ vậy cơ hội thành công tăng lên đáng kể.
Nhìn lại Việt Nam, chúng ta hiện đã có 119 tổ chức thúc đẩy kinh doanh/cơ sở ươm tạo, một số lượng khá lớn và phát triển khá nhanh so với thị trường khởi nghiệp mới được hình thành khoảng 5 năm. Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ sản sinh ra 4 “kỳ lân” cũng như chỉ thu hút 1,5 tỷ USD trong năm 2021 (dù đạt mức kỷ lục nhưng chủ yếu chảy về một số startup nổi bật). Điều này cho thấy, các vườn ươm hiện tại của Việt Nam dù đang nỗ lực hỗ trợ cho khởi nghiệp, nhưng hoạt động chưa đủ sâu.
Trong bài viết phân tích về mô hình vườn ươm doanh nghiệp tại Việt Nam, ThS Nguyễn Huyền Trang (Học viện Chính trị quốc gia HCM) và ThS Nguyễn Mạnh Cường (Trường Chính trị Hà Nam), cũng đưa ra 4 nguyên nhân khiến hệ thống vườn ươm trong nước hoạt động chưa hiệu quả như mong muốn.
Đầu tiên là việc xây dựng chậm chạp và vận hành vườn ươm thiếu đồng bộ làm giảm hiệu quả các dự án tài trợ, gây sức ép đối với hoạt động của vườn ươm. Thứ hai là việc huy động nguồn tài trợ cho các vườn ươm khó khăn. Thứ ba, các vườn ươm chưa đủ mạng lưới chuyên gia cố vấn và dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ công tác ươm tạo. Thứ tư, các vườn ươm công lập do đặc thù về cơ chế, chính sách và tính chất hoạt động nên chưa đủ hấp dẫn các nhà tài trợ... Còn các vườn ươm tư nhân gặp khó khăn về rào cản pháp lý đầu tư, gọi vốn từ nước ngoài.
Ra đời trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn “chín”, Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ được kỳ vọng sẽ trở thành “làn gió mới” trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Ông Ngô Hoàng Đông, CEO Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ cho biết, nhiệm vụ cốt lõi của Vườn ươm là quy tụ, kết nối nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp/khởi nghiệp bao gồm: pháp lý, quản trị, công nghệ, truyền thông, quảng cáo, phát triển thị trường, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, tài chính, kế toán, quản lý dự án, nguồn nhân lực, cố vấn.
Ngoài ra, Vườn ươm xây dựng và kết nối đội ngũ chuyên gia hùng hậu, sẽ tổ chức các buổi workshop, các khoá học ngắn hạn, các chương trình giáo dục, tập huấn cho các doanh nghiệp trẻ trong quá trình xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm cũng như gọi vốn.
“Điểm yếu của startup là khó khăn khi gọi vốn. Thậm chí startup gọi vốn nhanh, nhiều nhưng không biết cách sử dụng hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích. Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ sẽ khắc phục những vấn đề đó. Chúng tôi sẽ có quỹ và có công ty kiểm toán độc lập, cùng đội ngũ giám sát, cố vấn chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ và giám sát lộ trình giải ngân của các dự án, để nguồn tiền sử dụng một cách hiệu quả nhất, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra”, ông Đông nhấn mạnh.
Lễ ra mắt Vườn ươm khởi nghiệp Doanh nhân trẻ sẽ diễn ra vào hồi 9g-11g30 ngày 26/6 tới, tại Khách sạn Rex (TP.HCM). Sự kiện dự kiến quy tụ hàng trăm khách mời là đại diện ban ngành, chuyên gia, cố vấn, quỹ đầu tư, cố vấn, chuyên gia và startup trong lĩnh vực công nghệ.
Đây là dịp để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mở rộng giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội tham gia, đầu tư vào Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ.