Việt Nam có thể đón thêm nhiều kỳ lân, chỗ đứng trong ‘tam giác vàng’ khởi nghiệp sẽ khác
(DNTO) - Những thế hệ startup được dự đoán sẽ trở thành kỳ lân tiếp theo đến từ lĩnh vực có dư địa tăng trưởng thần tốc như thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game… hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam hút thêm dòng vốn đầu tư khủng.
Soonicorn đang vươn mình tới unicorn
Mới đây, Forbes Vietnam vừa điểm mặt một số startup đang ở ngưỡng soonicorn (startup tiệm cận ngưỡng kỳ lân) và một số startup triển vọng. Trong đó, có các tên tuổi đáng chú ý như Tiki (thương mại điện tử), Giao hàng tiết kiệm (logistics), Trusting Social (fintech), Kyber Network (blockchain), Amanotes (game), KiotViet (phần mềm quản lý bán hàng) và Giao hàng nhanh (logistics).
Theo nhận định từ Forbes Vietnam, các startup triển vọng nêu trên đều thuộc những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2-3 năm tới, mặc dù không phải tất cả nhưng một số công ty triển vọng có khả năng lớn mạnh thành kỳ lân.
Thực tế cho thấy, giai đoạn 2020-2021, những lĩnh vực như logistis, thương mại điện tử, game… đều ghi nhận mức vốn đầu tư tăng trưởng kỷ lục. Theo báo cáo từ Do Ventures, NIC, Cento Ventures, dòng vốn chảy vào lĩnh vực logistics tăng 103%, game tăng tới 2.813% và bán lẻ tăng tới 463%. Các lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều mô hình mới và cũng được kỳ vọng đón thêm dòng vốn đầu tư mạo hiểm mới.
Nếu dự đoán của Forbes Vietnam thực sự xảy ra, Việt Nam có thêm nhiều kỳ lân mới bên cạnh 4 kỳ lân hiện tại (VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis), thì khả năng thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp sẽ tốt hơn. Bởi lẽ, đội ngũ kỳ lân lớn mạnh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các startup tích hợp vào hệ sinh thái của họ, như cách VNG, VNPay, Momo đang tích cực tìm kiếm startup để rót vốn.
Ngoài ra, các kỳ lân cũng đồng thời là động lực thúc đẩy startup trong ngành, lĩnh vực của họ phát triển. Điển hình như sự thành công của Sky Mavis trong năm qua đã thúc đẩy startup game/blockchain Việt Nam hoạt động bùng nổ. Điều này là động lực dẫn dắt dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam.
Có sự thay đổi “tam giác vàng” khởi nghiệp?
Thế nhưng trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù nằm trong Top 3 nước thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất năm 2021, nhưng so với 2 kẻ dẫn đầu là Singapore (chiếm 33% tổng vốn đầu tư) và Indonesia (chiếm 41%), thì Việt Nam chiếm tỷ lệ 13%, vẫn còn khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, nếu sự phát triển của các soonicorn có thể vươn mình tới unicorn (kỳ lân), nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sẽ tăng nhiều hơn, khoảng cách này sẽ thu hẹp dần.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết, mặc dù Việt Nam không có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, quy mô nguồn vốn hay công nghệ so với các thị trường khác, nhưng startup Việt có lợi thế cạnh tranh lớn nhất đến từ thị trường 100 triệu dân rất cởi mở, sẵn sàng trải nghiệm và sử dụng công nghệ.
“Lợi thế này không chỉ khiến startup Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mà nhiều startup nước ngoài cũng muốn sang Việt Nam cung cấp sản phẩm. Đây là chỉ dấu cho thấy Việt Nam lạc quan trong việc tiếp cận công nghệ, điều này giúp startup Việt Nam bù đắp thiệt thòi về vốn, công nghệ, bắt kịp với các thị trường khác”, bà Hằng nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Hữu Trung, Founder Mio (nền tảng thương mại điện tử vùng nông thôn), cựu thành viên Quỹ IDG Vietnam Ventures nhận định, hiện nay, với sự tham gia của các dòng vốn mạo hiểm nhiều hơn, sự phát triển của startup Việt Nam cũng khiến quy trình nhà đầu tư khi duyệt các khoản đầu tư cũng nhanh hơn.
“10 năm trước đây, chúng ta có 2-3 quỹ đầu tư trong thời điểm đó, startup rất khó để tiếp cận nguồn vốn. Nhưng đến hiện nay thì các nhà đầu tư đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, sự lựa chọn nhiều hơn. Các nhà đầu tư rất chủ động gặp các nhà sáng lập, họ rất linh hoạt trong các khoản đầu tư như hình thức chúng ta sẽ tiếp cận. Cách làm và tốc độ làm linh hoạt và nhanh hơn rất nhiều. Đây là thời điểm rất tốt để các startup tiếp cận với các nhà đầu tư”, ông Trung cho hay.
Tuy vậy, trong “tam giác vàng” khởi nghiệp Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia và Việt Nam, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của hai quốc gia còn lại vẫn được đánh giá năng động và cởi mở hơn so với Việt Nam. Trong bối cảnh các quốc gia đều đang chạy đua thu hút startup ngoài biên giới, Việt Nam cần chiến lược tổng thể và bài bản để phát triển thị trường khởi nghiệp phát triển theo chiều sâu, hơn là chỉ phát triển theo bề rộng như hiện nay.