Vì sao startup blockchain dễ gọi vốn triệu USD?
(DNTO) - Một công nghệ có thể áp dụng cho tất cả các ngành nghề, dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022, đang mang đến cơ hội rất lớn cho startup để thu hút nguồn vốn khủng từ các quỹ đầu tư quốc tế.
Sau khi bị tin tặc tấn công và ăn cắp tới hơn 600 triệu USD trong game Axie Infinity, nhà phát hành Sky Mavis vẫn thành công huy động 150 triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn, để tiến hành trả lại người chơi, nhà đầu tư khoản tiền bị đánh cắp.
Trong vòng gọi vốn gần nhất vào năm ngoái, Sky Mavis đã thành công khi huy động tới 152 triệu USD từ quỹ đầu tư nổi tiếng toàn cầu, nâng định giá của mình lên 3 tỷ USD, nghiễm nhiên bước vào hàng ngũ startup “kỳ lân”.
Ông Đặng Vương Anh, CEO, Co-founder Tamme.Pet, cố vấn blockchain tại NTQ Solution, nhận định, Việt Nam trước đây phát triển rất nhiều dự án game lớn, thậm chí có những dự án Top 10 thế giới, nhưng chủ yếu là đứng đằng sau; thì năm 2021, sự thành công của game Axie Infinity, do Sky Mavis phát hành, đã góp phần giúp thị trường game blockchain Việt Nam bùng nổ và được chú ý nhiều hơn.
“Tôi nhớ có lần ngồi với một quỹ đầu tư, họ nói rằng trong 100 dự án game blockchain họ tiếp xúc, có 80 dự án đến từ Việt Nam. Từ khi có trend Game Fi (trò chơi kết hợp tài chính), các dự án game blockchain Việt Nam bùng nổ do có sẵn nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm”, ông Vương Anh cho hay.
Tiềm năng của thị trường blockchain cùng sự bùng nổ khi xuất hiện nhiều startup chất lượng trong ngành như Whydah, HeroVerse, Sipher, Etemon… càng làm tăng sức hấp dẫn với các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Năm 2021 ghi nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào startup giải trí, trò chơi đạt kỷ lục, lên tới 175 triệu USD, tăng tới 2.813% so với giai đoạn 2019-2020. Lĩnh vực này cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các ngành được rót vốn đầu tư mạo hiểm (theo thống kê của NIC, Do Ventures và Cento Ventures).
PGS. TS Đinh Ngọc Thạnh, CTO Quỹ đầu tư GFS Ventures, chuyên rót vốn vào startup blockchain, cho hay, hiện các công ty startup blockchain tăng "khủng khiếp". Còn các công ty truyền thống cũng bắt đầu tăng tuyển dụng nhân sự về blockchain. Microsoft, Facebook hay Google bắt đầu có phòng blockchain.
Các “ông lớn” ở Việt Nam như FPT, Đất Xanh Group, Vingroup, Viettel… đang bắt đầu tuyển dụng nhân lực blockchain. Điều này cho thấy thị trường blockchain là miền đất hứa dành cho startup.
“Lượng vốn đổ vào thị trường blockchain rất lớn. Trên Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), startup muốn gọi vốn 1-2 tỷ đồng rất trầy trật. Còn trong lĩnh vực blockchain, tôi hiếm thấy dự án nào chỉ nhận vài trăm nghìn USD, hầu hết là vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD”, ông Thạnh cho hay.
Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trong TOP 200 công ty blockchain thế giới, có 5-7 công ty do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 startup blockchain Việt Nam đạt mức vốn hoá trên 100 triệu USD.
Lý giải về việc vì sao các quỹ đầu tư mạo hiểm dễ dàng rót vốn vào các startup trong lĩnh vực “hot”, bà Thạch Lê Anh, CEO Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley cho biết, các quỹ không ngại đầu tư vì nếu không đầu tư sẽ thiệt hơn.
“Chúng tôi đã có những thương vụ đầu tư 10.000 USD để lấy 10% cổ phần của công ty định giá 100.000 USD, và đến hiện tại, công ty đã có giá trị 130 triệu USD. Điều đó cho thấy việc đầu tư startup chưa bao giờ là thua thiệt. Đây cũng là một trong những lý do cho thấy việc đầu tư vào startup giai đoạn sớm rất rủi ro nhưng là đầu tư thông minh”, bà Thạch Lê Anh cho biết.
Một lý do khác khiến startup blockchain huy động được nguồn vốn triệu USD là vì nhu cầu nhân sự trong ngành rất lớn. Tình trạng “khát” nhân lực blockchain không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang là tình trạng chung của thế giới. Vì vậy, các startup không ngại chi mức lương khủng, lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn USD để chiêu mộ nhân sự giỏi trong ngành. Bởi một startup công nghệ, giá trị nhất vẫn là đội ngũ phát triển.
“Đôi khi các startup, công ty công nghệ dù sẵn sàng chi trả mức lương khủng nhưng cũng khó lòng tìm được nhân sự am hiểu về blockchain, do tình trạng thiếu nhân sự, cũng như các chương trình đào tạo về ngành này còn sơ khai”, ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc Sản phẩm và Kỹ thuật tại Navigos Group, đơn vị sở hữu cổng thông tin tuyển dụng Vietnamworks.com, cho hay.
Năm 2021, thị trường blockchain (công nghệ chuỗi khối) toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD; dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022 và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, theo Fortune Business Insights. Đặc biệt, chuyên trang này còn dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành giai đoạn 2021-2029 lên tới 56,3%. Đây là mức tăng trưởng khủng khiếp so với tất cả các ngành nghề khác.
Theo các chuyên gia, blockchain ngày càng phổ biến vì có thể ứng dụng vào hầu hết các ngành nghề, tạo mô hình sản xuất kinh doanh mới, đem lại sự phát triển đột phá. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm sáng khởi nghiệp blockchain. Đây là cơ hội để startup blockchain hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế.