Thoát cảnh ‘sớm nở, tối tàn’ của các dự án game blockchain
(DNTO) - Để giữ một thị trường game blockchain phát triển lành mạnh, ngoài việc thanh lọc các dự án “ma”, theo các chuyên gia, đội ngũ phát triển cần chuẩn bị kĩ lưỡng yếu tố bảo mật để tránh bị đánh sập dự án.
Hiệu ứng fomo trong ngành blockchain
Sự thành công của game Axie Infinity vào giữa năm 2021, với bước ngoặt là đưa nhà phát hành Sky Mavis lên hàng ngũ “kỳ lân” (startup tỷ đô), đã tạo ra hiệu ứng fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) trong cộng đồng blockchain.
Vì vậy ngay sau đó, nhiều dự án GameFi (trò chơi kết hợp tài chính) của đội ngũ người Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa, thu hút sự quan tâm của đông đảo game thủ, nhà đầu tư, khi có thể vừa chơi trò chơi, vừa có thể kiếm tiền thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, thu thập vật phẩm trong game, sau đó quy đổi thành tiền ảo.
Một thống kê không chính thức cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm qua, có tới 300 dự án game blockchain do người Việt sản xuất hoặc gia công sản xuất tạo nên. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít dự án bị tố lừa đảo tiền của nhà đầu tư.
Bên cạnh yếu tố chủ quan từ phía quỹ đầu tư và đội ngũ phát triển dự án cố tình lập các dự án ảo để lừa tiền nhà đầu tư, không ít các dự án “chết” do mải chạy theo xu hướng mà chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
“Tác động fomo của dự án, không chỉ ở các startup mà còn ở cả phía các nhà đầu tư, khi trễ một nhịp so với các dự án khác thì tâm lý nôn nao, cảm thấy không yên tâm. Khi không chuẩn bị đội ngũ kỹ thuật tốt, có tầm nhìn tốt, ngay lập tức đi theo làn sóng fomo mà không đủ khả năng đánh giá làn sóng này có kéo dài lâu hay không; hoặc sự đánh giá chỉ trong ngắn hạn, chủ quan, dẫn đến nhiều dự án chưa kịp ra sản phẩm NFT, mới chỉ gọi vốn là đã chết rồi”, bà Jennie Hoàng Phương, CEO Công ty D.lion Media & Solutions, trực thuộc hệ sinh thái blockchain D.lion, cho hay.
Cũng theo bà Hoàng Phương, làn sóng khởi nghiệp nhanh và thành công nhanh của nhiều startup blockchain trên thế giới khiến nhiều startup Việt nghĩ rằng có thể dễ dàng sao chép mô hình đó để phát triển. Điều này dẫn đến rủi ro về nền tảng kỹ thuật đối với startup, đặc biệt là blockchain vì liên quan rất lớn đến việc bảo mật thông tin.
“Việc coppy ý tưởng, rõ ràng startup không hiểu rõ bản chất nền tảng nhân tố bên trong, tức nền kinh tế trong blockchain đó đang vận hành theo cơ chế nào. Thành ra coppy về mặt ý tưởng có thể thực hiện, còn coppy về mặt nền tảng để đưa ra cơ chế vận hành của dự án là điều không thể. Điều này làm cho ý tưởng rủi ro”, bà Phương cho hay.
Chậm mà chắc
Theo ông Trịnh Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Phát triển game FOTA, một công ty phát triển game thường có 6 bước bảo mật, nhưng gần như một nửa dự án trên thế giới hiện tại chỉ tập trung vào khâu phát triển, ít có bên nào tập trung sâu vào bảo mật. Điều này dẫn đến việc các dự án game blockchain rất dễ bị tấn công bởi tin tặc, như trường hợp Axie Infinity vừa qua.
Tuy vậy, trên phương diện một nhà phát triển game, ông Đức cho rằng, việc bảo mật trong dự án game blockchain phải đến từ 2 khía cạnh: đội ngũ phát triển game và người tham gia. Vì vậy, trách nhiệm của nhà phát triển ngoài việc bảo mật game thì còn phải kết hợp với đơn vị truyền thông, nhà đầu tư để có những hướng dẫn, chỉ dạy cho những người sử dụng sản phẩm cách bảo vệ tài sản của mình.
“Nếu hiện nay đẩy hết trách nhiệm bảo mật game cho đội ngũ phát triển thì chưa đủ. Người tham gia cũng phải có thái độ chủ động, tự giác trong việc bảo vệ tài sản của họ. Bởi có rất nhiều câu chuyện nực cười là nhiều người lớn tuổi mua bitcoin nhưng lại nhờ các cháu giữ hộ private keys (chuỗi ký tự để đăng nhập tài khoản). Hay rất nhiều trường hợp họ mất tài sản một cách rất vô lý, nhập nhằng bởi đơn giản chỉ vô tình để lộ private keys trong những lần gửi cho những người thân. Khi giá đồng bitcoin thấp thì không sao, nhưng khi giá lên cao thì nguy hiểm”, ông Đức cho hay.
Theo luật sư Lê Văn Dương, Công ty Luật Indochine Counsel, hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động game blockchain. Vì vậy, khi sự cố xảy ra sẽ tác động đến 2 đối tượng, một là nhà đầu tư, hai là những người chơi và hưởng lợi game.
Đối với nhà đầu tư, khi rót vốn vào dự án sẽ có thỏa thuận cổ đông. Khi sự cố xảy ra phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng mới có thể bồi thường thiệt hại. Thực tế, sự cố đó ngay bản thân nhà phát hành không mong muốn xảy ra. Nên nhà đầu tư cần phải dự phòng rủi ro trước khi quyết định rót vốn. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất là bảo mật thông tin trong hợp đồng đầu tư.
“Nếu không mạnh bảo mật về game, đơn vị phát triển có thể thuê bên thứ ba cung cấp giải pháp cho họ, hoặc thuê đơn vị kiểm toán về blockchain tư vấn để tránh rủi ro liên quan đến bảo mật”, ông Dương khuyến nghị .