Shopee lỗ nặng: Minh chứng của việc ‘đốt tiền’ tăng trưởng nóng sẽ khó bền vững
(DNTO) - Shopee đang chống trọi với cục diện hết sức khó khăn khi nhiều năm liền ngập trong thua lỗ, buộc phải rút lui khỏi nhiều thị trường như Ấn Độ, Pháp… và cắt giảm nhân sự trên khắp Đông Nam Á.
‘Kỳ lân’ gặp bão
Năm 2021, mặc dù mảng thương mại điện tử của Sea (công ty mẹ của Shopee) ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội nhờ đại dịch, với 6,1 tỷ đơn hàng, tăng 90% so với năm trước, nhưng không đủ gồng lỗ. Khép lại năm 2021, Shopee lỗ 2,7 tỷ USD, kéo dài chuỗi thua lỗ liên tiếp từ nhiều năm trước đó.
Cùng với đó, kế hoạch bành trướng ra toàn cầu của Shopee cũng đang gặp trục trặc, khi sàn này liên tục rút chân khỏi nhiều thị trường tiềm năng, đầu tiên là Pháp, sau đó là Ấn Độ và đang có ý định rút khỏi Tây Ban Nha. Việc thâm nhập vào châu Âu và châu Mỹ Latinh của Shopee cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Tại Việt Nam, tình hình kinh doanh của Shopee cũng tương tự. Dù đang dẫn đầu về lưu lượng truy cập (84,5 triệu lượt/tháng trong quý 1/2022), nhưng đến hết năm 2020, số nợ phải trả của công ty này lên tới 4.888 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của âm 1.463 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 6.729 tỷ đồng.
Nhiều năm nay, trên đường đua thương mại điện tử, Shopee luôn nổi tiếng là tay chơi có tiếng, sẵn sàng “chơi khô máu” với các đối thủ. Để duy trì chiến lược “Rẻ vô địch”, Shopee không ngại chi tiền tung các mã freeship, nhằm lôi kéo nhà bán hàng và người mua. Nhờ vậy, chỉ trong vòng vài năm, Shopee tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam có cơ hội bỏ xa các đối thủ trong ngành.
Sở dĩ, Shopee có thể tiêu tiền không tiếc tay là do được ‘chống lưng’ bởi công ty mẹ Sea – startup giá trị nhất Đông Nam Á, từng được định giá lên tới 200 tỷ USD. Thế nhưng, cục diện này đang bị lung lay bởi Sea vẫn đang kéo dài mạch thua lỗ. Kết thúc quý 1/2022, khoản lỗ của Sea tăng từ 422 triệu USD lên 580 triệu USD.
Mảng game của Sea – “con át chủ bài” gồng gánh hoạt động thương mại điện tử, dù ghi nhận doanh thu khủng, nhưng việc trò chơi hàng đầu Free Fire bị cấm tại Ấn Độ đã kéo giá cổ phiếu của Sea giảm gần 80% so với mức đỉnh vào tháng 10 năm ngoái.
Đã đến lúc không thể phiêu lưu
Mặc dù thương mại điện tử được kỳ vọng là ngành tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, nhưng với những bất ổn kinh tế toàn cầu, lạm phát, lãi suất tăng được dự báo ảnh hưởng không nhỏ tới bán lẻ và tiêu dùng.
Trong thế giới VUCA (nhiều biến động), có lẽ, Shopee khó có thể tiếp tục cuộc phiêu lưu mạo hiểm mang tên “đốt tiền” để giành ngôi quán quân. Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, Shopee đang phải cạnh tranh hết sức gay gắt với đối thủ Lazada, Tiki, Sendo…
Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử trong đại dịch đã chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt những tân binh, đi theo một hướng rất khác so với các ông lớn, đó là tập trung phục vụ thị trường ngách. Ví dụ FoodMap tập trung các sản phẩm nông nghiệp, ON hỗ trợ nông dân tiếp thị sản phẩm, Mio hướng tới phục vụ nông sản, hàng tiêu dùng cho thành phố nhỏ…
Shopee cũng đang nhận ra việc mình không thể tiếp tục đi theo con đường tăng trưởng “nóng”. Minh chứng là gần đây, sàn này thông báo cắt giảm nhân sự tại nhiều chi nhánh trên khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đồng thời ngừng tuyển dụng vị trí mới. Mục đích của đợt cắt giảm này để Shopee để tìm cách hợp lý hóa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, theo DealStreetAsia.
Thực tế, với một startup như Shopee, nếu muốn nhanh chóng vượt xa đối thủ của mình, không thể không chọn mô hình tăng trưởng “nóng”. Và khi mô hình tăng trưởng nóng chứng minh hiệu quả (không chỉ doanh thu), thì sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Shopee vẫn có nhiều lợi thế để duy trì hoạt động của mình, nhưng các startup khác nếu chọn con đường “tăng trưởng nóng”, thì chưa chắc may mắn như vậy. Rất nhiều bài học nhãn tiền từ việc tăng trưởng nóng như “kỳ lân” Wework (Mỹ) mất hơn 80% giá trị chỉ trong vài tháng, GoBear (Singapore) gọi vốn 97 triệu USD vẫn phải đóng cửa… đã cho thấy nếu startup sau khi tăng trưởng nóng không hướng tới chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững thì rất khó trụ lại được thị trường.