Bắt tay với ‘kỳ lân’ và những toan tính của các sàn thương mại điện tử
(DNTO) - Thương vụ hợp tác với các ‘kỳ lân’ (startup tỷ đô) sẽ giúp các sàn thương mại điện tử bứt tốc nhờ việc mở rộng hệ sinh thái để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Áp lực mới từ các đối thủ mới
Nổi lên như một trụ cột tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, năm 2021, thương mại điện tử đạt mốc 13,7%, chiếm gần 6% tổng mức tiêu dùng hàng hóa cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 16-17%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.
Tốc độ phát triển như vũ bão của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã tạo ra thị trường màu mỡ, không chỉ cho các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này, mà còn trở thành một hệ sinh thái rộng lớn cho các đơn vị phát triển các dịch vụ liên quan, như logistics, thanh toán…
Tuy nhiên, ‘miếng bánh’ càng ngon thì càng nhiều người thèm khát. Thương mại điện tử cũng được đánh giá là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt.
Trong khi bốn “ông lớn” là Shopee, Lazada, Sendo, Tiki vẫn đang “toát mồ hôi” để chiếm lĩnh thị phần, thì trong đại dịch, thị trường tiếp tục đón thêm các “tân binh” như FoodMap, sàn thương mại điện tử nông nghiệp; ON – hỗ trợ người dân nông thôn tiếp thị sản phẩm hay Mio – sàn thương mại nông sản, hàng tiêu dùng cho các thành phố nhỏ…
Các “tân binh” dù mới ra thị trường nhưng nhanh chóng tạo được vị thế riêng, khi thu hút hàng nghìn nhà bán hàng, hàng triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Lợi thế của họ là đi vào thị trường ngách, tuy nhỏ nhưng tiềm năng, và đặc biệt đã đánh trúng “nỗi đau” của thị trường trong mùa dịch: nông sản, hàng hóa ùn ứ, vận chuyển khó khăn, người dân giảm thu nhập trong đại dịch…
Việc có thêm nhiều đối thủ gia nhập cuộc chơi càng làm nóng thêm đường đua của các sàn thương mại điện tử.
Startup tỷ đô nhập cuộc
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đặt các sàn vào tình thế mới, thay vì tăng số lượng người bán, người mua trên “bề nổi”, các sàn chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ, sản phẩm và chăm sóc tốt hơn hành trình của nhà bán hàng và người mua.
Không cách nào khác, các sàn buộc phải mở rộng hệ sinh thái của mình bằng việc bắt tay với các đối tác, trong đó nổi bật là những “kỳ lân” đình đám. Và các “kỳ lân” đương nhiên không bỏ qua cơ hội bước chân vào lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng như vũ bão này.
Thương vụ nổi bật nhất là hồi cuối tháng 4, Telio (nền tảng thương mại điện tử B2B cung ứng hàng tiêu dùng, y tế cho các đối tác) công bố chính thức trở thành công ty liên kết của “kỳ lân” VNG. Cuối năm ngoái, VNG cũng rót tới 22,5 triệu USD cho Telio, nhằm hỗ trợ Telio mở rộng hoạt động thông qua mạng lưới Zalo thuộc VNG.
Cú bắt tay này sẽ giúp Telio tăng sức cạnh tranh với “kỳ phùng địch thủ” là Vinshop trong mảng thương mại điện tử bán buôn. Còn với VNG, việc đổ vốn cho Telio cũng giúp "kỳ lân” này bước chân vào mảnh đất màu mỡ thương mại điện tử.
Trước đó, “kỳ lân” VNPAY cũng công bố hợp tác với sàn thương mại điện tử Tiki, hay MoMo bắt tay với Sendo. Trong thương vụ này hợp tác với các ví điện tử, đồng thời cũng là những kỳ lân hàng đầu của Việt Nam, mảng thanh toán không dùng tiền mặt trên các sàn sẽ được thúc đẩy nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, đối tác doanh nghiệp. Ngược lại, các siêu ví điện tử cũng tiếp tục mở rộng tệp khách hàng là người mua, người bán trên sàn thương mại điện tử.
Nhận định về xu hướng thương mại điện tử kết hợp cùng fintech và các dịch vụ phụ trợ, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Ventures, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết đây là lĩnh vực mới nổi đầy hứa hẹn mà các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ.
“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhiều cơ hội trong lĩnh vực thương mại điện tử và fintech khi chúng phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Trong lĩnh vực rộng lớn này, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến một làn sóng kinh doanh thương mại mới như mô hình tạp hóa, thương hiệu trực tiếp đến người tiêu dùng và thương mại nhanh, cùng với các giải pháp quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng và cho vay vừa và nhỏ”, bà Uyên Vy cho hay.